HỌ ĐANG THAY ĐỔI VÌ ĐIỀU GÌ?
Thử xem, bạn có nghe tiếng reo vui từ những dòng chữ này:
CHÍNH THỨC RA MẮT THẾ HỆ BÁNH MÌ MỚI - BÁNH MÌ "GẠO"
Sau nhiều năm nỗ lực nghiên cứu, #OPlantbased đã thành công và tự hào giới thiệu hai loại bánh mì mới lần đầu tiên ra mắt tại Việt Nam, bánh mì mà không phải bánh mì vì bánh được làm từ bột gạo thay thế cho bột mì truyền thống: B𝐚́𝐧𝐡 𝐌𝐢̀ 𝐆𝐚̣𝐨 𝐕𝐢𝐞̣̂𝐭 𝐍𝐚𝐦" - (89% BỘT GẠO) làm từ bột gạo truyền thống và 𝐁𝐚́𝐧𝐡 𝐌𝐢̀ 𝐆𝐚̣𝐨 𝐇𝐮𝐲𝐞̂́𝐭 𝐑𝐨̂̀𝐧𝐠 𝐕𝐢𝐞̣̂𝐭 𝐍𝐚𝐦" - (89% BỘT GẠO) được làm từ bột gạo huyết rồng Việt Nam. Bánh khi ăn vào tan trong miệng, có vị ngọt của gạo mang lại cảm giác như đang thưởng thức cơm nhà và còn tốt cho hệ tiêu hóa của bạn. Đó là lời reo vui của chị Hồ Thanh Nhiên, một “chiến binh” không mệt mỏi cổ vũ cho việc tiêu dùng các sản phẩm “Make from love- for nature" (sản xuất vì tình yêu và cho thiên nhiên)
BỘT GẠO và CƠM NHÀ…
Mấy tuần qua, bị cảm và ho vì cứ bị mưa dập tới dập lui, tôi được một bà bạn và một cô hàng xóm gửi cho tôi hai chai thuốc ho, cùng là thuốc từ dược liệu (thảo dược). Tôi uống chai của OPC và thấy hiệu nghiệm. Đọc toa, thấy bên cạnh tên loại lá dược liệu, tỳ bà diệp, cát cánh, bách bộ là tên các hoạt chất tiếng Anh (?)…Buổi tối nay vừa đi bộ (tập thể dục) về, tôi thấy một xe bán trà sữa xuất hiện nhiều bạn trẻ đang đứng mua, có gắn bảng: Trà sữa gạo rang…
Đó là chuyện đến với tôi mấy hôm nay. Còn đây là lời kể của chuyên gia thị trường Phạm Ngọc Hưng.
“Hồi khoảng 2014-2015, một ngày khi vợ tôi mang về nhà một cái túi cói lớn với lý do “để khỏi dùng bao ni lông đi chợ”, tôi bắt đầu để ý xem có bao nhiêu người như cô ấy. Và rồi, chỉ không lâu sâu đó, khi tình cờ nhìn thấy các bài post trên facebook mà vợ tôi like, tôi nhận ra rằng những phụ nữ như vợ tôi không phải là số ít.
Ở Việt Nam, quan sát, tôi thấy, lối sống thuận theo nhiên đã lan rộng trong thế hệ Millenial và GenZ, và mặc dù không đọc bất kỳ báo cáo nghiên cứu hành vi tiêu dùng nào có liên quan, nhưng tôi cho rằng ảnh hưởng của lối sống thuận theo tự nhiên càng ngày càng lớn, khi cả Millenial lần GenZ đều đến tuổi tiêu dùng lớn nhất.
Có thể coi rằng quan niệm thuận theo tự nhiên, hay thử gọi bằng một tên gọn hơn” “Thuận Nhiên”, như cách nói của các cô các chị, là một phản ứng trở về với bản thể, cội nguồn của mình đối với tình trạng sự khai thác quá mức với tự nhiên? Có một kiểu nghĩ, một niềm tin rằng mọi hành động đi ngược tự nhiên, chống lại thiên nhiên đều có ý nghĩa là chống lại bản thân mình?
Niềm tin ấy chi phối lối sống và những lựa chọn sống, như ăn thực phẩm thô, lựa chọn thực phẩm hữu cơ, từ chối thực phẩm siêu chế biến (hyper processed foods — HPF), hạn chế dùng túi nylon, ác cảm với các loại hoá chất, giảm ăn thịt đỏ, chọn du lịch dã ngoại thay cho resort. Và cũng thật rõ rệt trong xu hướng chọn lựa thời trang của họ.
Vào năm 2018, khi tư vấn cho công ty Vitadairy phát triển nhãn hiệu sữa Colosbaby bổ sung sữa non để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ, tôi ý thức rằng thông điệp của nhãn hiệu phải tránh tạo ra nhận thức “bổ sung dưỡng chất” và mỗi người mẹ, cần “đem đến sức mạnh từ bên trong”. Nhãn hiệu đã phát triển rất nhanh trong giai đoạn trước lẫn trong dịch Covid, một phần là tránh được sự đối kháng với nhóm bà mẹ thuận nhiên.
Tôi từng tham dự một cuộc họp mặt “Cấy nền thời trang” và rất ngạc nhiên về một xu hướng đã hình thành, nhiều thương hiệu thời trang đã mở chuỗi của hàng ở các đô thị lớn Việt Nam. Hóa ra tôi từng được tặng áo gió của Yogi hay đã từng mua áo thun của Faslink. Và các khách hàng trẻ đã và đang mua, mặc các sản phẩm “thời trang đúng kiểu thời thượng” là vải từ nguyên liệu thiên nhiên, thời trang “bảo vệ thiên nhiên” nhiều hơn tôi, làm thành xu hướng len lõi, thầm lặng lớn dần trong những bạn trẻ Gen Z đậm cá tính và hoàn toàn chủ động trong lựa chọn và tiêu dùng. Nghe không còn lạ lẫm nữa các loại vải hoàn toàn mới từ nguyên liệu thiên nhiên, gọi là vải thực vật, không phải từ xăng dầu: sợi tơ chuối, sơi tre, sợi dứa, bả cà phê, bột bạc hà, vỏ hàu…
Hôm dự cuộc họp mặt thời trang mới ấy, tôi nhớ có bài nói chuyện nhắc lại việc tích hợp sợi nhựa tổng hợp vào sản xuất đồ may mặc khiến các hạt nhựa tổng hợp nhỏ li ti bị thải ra môi trường. Và các nhà môi trường ước tính, khoảng 1/2 triệu tấn vi sợi, tương đương với 3 triệu thùng dầu, đang bị đổ xuống biển mỗi năm dưới hình thước quần áo cũ.
Nên cuộc sống đang trao cho thế hệ những người làm và sử dụng thời trang một hướng đi mới: Xanh hóa chuỗi cung ứng cho ngành thời trang. Đây thực sự là một vấn đề lớn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu hiện tại.
Gần đây, khi tìm hiểu thị trường chăn ga gối nệm, tôi cũng biết rằng những vật liệu tự nhiên như lụa, cotton và linen đã thay thế các loại vải có nguồn gốc dầu mỏ và trở thành lựa chọn hàng đầu cho nhóm khách hàng AB, khiến cho Everon, thương hiệu cao cấp một thời, đã không tuyển được khách hàng mới, và có nguy cơ bị gạt ra rìa.
Nghiên cứu số liệu lịch sử kinh doanh của Everon, tôi tin chắc rằng thuận nhiên đã và đang tạo ra một xu hướng tiêu dùng khác. Xu hướng ấy đang tạo ra cơ hội cho một loạt ngành hàng như thời trang từ thực vật, thực phẩm chức năng từ các bài thuốc Đông y, dược phẩm từ thảo dược, thực phẩm nhãn trắng (blank table — tức là thực phẩm có bảng thành phần không chứa nhiều hoạt chất), và đang có sức chống trả, đẩy lùi những sản phẩm thời cũ, từ thực phẩm chứa hoạt chất I (gồm chất bảo quản và định hình màu – mùi), nước giải khát có các chất định hình, định hương lẫn sản phẩm chăm sóc da.
Thế nên, những doanh nghiệp nào hiện đang nằm trong tầm ngắm của xu hướng thuận nhiên cần phải nắm kỹ về xu hướng này, nhanh chóng điều chỉnh chiến lược, từ sản phẩm, bao bì đến truyền thông, để nếu không kịp đi theo được xu hướng thuận nhiên, thì cũng phải tránh sự đối kháng xu hướng này. Nếu không, tôi cho rằng doanh nghiệp sẽ đánh mất cơ hội phát triển, và hoàn toàn có nguy cơ bị thuận nhiên chôn vùi chỉ sau một thời gian nữa.
(Phạm Ngọc Hưng-Vũ Khánh)