Một sự tình cờ ngộ nghĩnh (hơi riêng tư) là mình làm báo, đã đi công tác qua gần 30 nước nhưng chưa đi Hàn Quốc lần nào. Mà lại đi Bắc Triều Tiên rồi, một phần của nước Đại Hàn mà nhiều người Việt chưa từng biết. Đi và viết về Bắc Triều Tiên lần đó (1989) cũng thành một câu chuyện nghề nghiệp.
Lần này mình đến Hàn Quốc với lời dặn của bạn bè là nhớ mang đủ quần áo ấm. Trời nóng đến chỉ cần đi bộ chừng 30 phút là... mồ hôi phải gọi là nhễ nhại. Mình đi làm nghề, nghề khác, làm xúc tiến. Hội chợ nhập khẩu Hàn Quốc 2025 (2025 KOREA IMPORT FAIR), với mục đích giản dị là giúp doanh nghiệp các nước muốn nhập hàng vào nước này, diễn ra chỉ trong 3 ngày, một hội chợ nghiêm túc, vừa, xinh, mới kết thúc hôm qua.
Không gian rộng vừa phải trông rất giống xì tai SECC ở nhà, thu hút khách hàng doanh nghiệp đến mua hàng làm việc chuyên cần, lặng lẽ. Ấn tượng của mình về đoàn doanh nghiệp Việt lần này, một đoàn nhỏ, chỉ có 12 doanh nghiệp là họ đều đã làm việc chuyên nghiệp, có chuẩn bị (nhiều trong số 12 doanh nghiệp vừa và nhỏ này đã mời sẵn khách hàng, cả cũ lẫn tiềm năng đến từ trước khai mạc). Mình quí phục những bạn CEO của 12 doanh nghiệp thành viên, họ đều đã có mặt đủ toàn bộ thời gian, ngoại trừ những lúc theo chương trình kết nối có sẵn. Vì sao họ chuyên tâm như vậy? Mục đích hội chợ rõ ràng, khách đến đúng đối tượng và… đồng tiền họ bỏ ra không ít, có lẽ có phần "của đau con xót" (khác các nhóm quốc gia khác, đoàn doanh nghiệp này không nhận được hỗ trợ từ nhà nước, doanh nghiệp tự đầu tư hết). Chiều ngày cuối, khi chung quanh không ít doanh nghiệp đóng cửa biến mất thì DN Việt vẫn dốc sức đón nhận khách. Tôi chưa đi dự một hội chợ nào mà giờ chót lại động khách - đúng đối tượng - như vậy. Có thể vì thời gian ngắn quá (chỉ 3 ngày)? Tôi hỏi 2 doanh nghiệp bận rộn nhất, thì họ đều cười, không còn cả hàng mẫu chị à, mà khách vẫn hẹn sang Việt Nam, hẹn tiếp tục quá trình đàm phán mua hàng.
Chuyện xảy ra ở hội chợ nhỏ này, sau hơn hai chục năm tôi bền bỉ đi cùng doanh nghiệp Việt dự các hội chợ quốc tế cũng khiến tôi cảm động. Có một kiểu dự hội chợ rất quen là: đoàn Việt Nam chỉ có mặt đủ hôm khai mạc, sau đó, kéo nhau đi du lịch, bỏ mặc gian hàng cho nhân viên địa phương mới tuyển.
Ở đây là hoàn toàn khác. Theo dõi những gì diễn ra ở không và thời gian thực, tôi nghĩ, đến lúc doanh nghiệp Việt cần thu thật gọn (thành tiêu điểm) để chọn những hội chợ không lớn mà thật rõ mục đích và làm việc hết sức, gặt kết quả cũng thật thiết thực.
Những chi tiết thật nhỏ cũng khiến tôi thú vị: có hai doanh nghiệp làm các mẫu sản phẩm (mô phỏng như đang được sử dụng) thật khéo và công phu để chinh phục sự chú tâm của khách hàng, có chàng CEO may hẳn quốc phục Việt để có câu chuyện kể về lòng hiếu khách và tận tụy của người Việt, có DN rèn đội ngũ thật nghiêm "chuyên trị" đi hội chợ nhập khẩu rất xinh và duyên, mà thật nhuyễn trong kỹ thuật giao tiếp; có chàng trai vừa tiếp quản doanh nghiệp gia đình bằng lần "thử sức" tham gia Hội chợ này sau 4 năm anh làm việc cho DHL và một công ty logistic quốc tế tên tuổi. Trong hội chợ, có đến 3 bạn trẻ tôi nghĩ thầm họ là “thánh đi hội chợ” tức là đi thiệt chuyên và siêng, hầu như ít chịu bỏ qua các hội chợ có mục đích rõ và chuyên nghiệp. Tôi ngồi bàn luận với các bạn CEO này, hãy viết ngay kinh nghiệm từng chuyến đi, viết thật cặn kẽ (đến mức nhà báo chuyên nghiệp cũng không viết được vì không là người trong cuộc) để in thành một cẩm nang nóng hổi cho các bạn khác. Và họ tỏ ra hào hứng với đề xuất này. Thời của những nhà “thực chiến” mà các bạn.

Ngoài giờ bám theo hội chợ, đoàn doanh nghiệp chúng tôi cũng tung tăng nhảy múa “giang hồ tất tay”. Đêm nào cũng về gần 12g khuya sau khi lặn lội khám phá những diểm du lịch lạ, bộc lộ một Hàn Quốc đầu tư rất bản lĩnh cho du lịch. Một khu phố cổ, ấm áp, hiếu khách (Insedong) và một làng cổ 600 năm, quái lạ, mới tối qua, đi thăm điểm du lịch như đi… ăn trộm vì bị cấm đến sau 5g chiều (mà phàm cái gì bị cấm thì càng hấp dẫn phải không?) nên chúng tôi quyết đến và thấy khá nhiều đoàn khách Âu-Mỹ cũng nín khe, lặn lội đi nhìn, chụp ảnh và nói thầm với nhau những điều… không bí mật. (Tôi ắt phải kể lại cảm giác đi “ăn vụng” thú vị này, cảnh trí và kiến trúc trong bóng đêm đẹp mất hồn trong bài sắp tới).


Nhưng ấn tượng thật vui, phấn khích trong mến phục của tôi là khi đắm mình trong không khí say mê đọc sách - rất phớt đời - của dân Hàn Quốc khi đông đảo du khách lăng xăng chụp ảnh chung quanh. Văn hóa đọc là thứ bị kêu ca (tiêu cực) nhất của dân mình. Thì ở đây cả khu không gian đẹp nhất, thoáng đãng, tinh tươm, hoành tráng, hấp dẫn nhất trước mắt tôi lại đang là… một thư viện, trời ạ. Thư viện Starfield chiếm hết 2 tầng của khu Trung tâm thương mại sang chảnh nhất nhì ở Seoul là… ngôi nhà đầy tự hào này của sách. Và thật tự nhiên, những độc giả người Hàn ngồi khắp các khu vực sáng (ánh sáng trời) được dành chỗ để đọc sách lý tưởng nhất.

Những kệ sách từ đất tới trời nhìn như những khu cao ốc đồ sộ với các cửa sổ vô số tầng muôn màu, thực ra là những kệ sách khổng lồ với chập chùng từng dãy các bìa sách. Tôi say mê chụp ảnh các độc giả đang say sách đến nỗi bỏ rơi mất người bạn đồng hành, và rồi chúng tôi lạc nhau trong vui vẻ vì cùng biết, chừng nào mới được sống lại trong không gian kỳ diệu đó?

Thư viện Starfield là thư viện công cộng mở cửa miễn phí, nằm lọt trong trung tâm mua sắm COEX Mall, quận Gangnam, Seoul, Hàn Quốc. Nó nổi tiếng và thu hút đông đảo du khách với kiến trúc độc đáo và không gian rộng lớn suốt 2 tầng của trung tâm mua sắm, 2.800 mét vuông, trưng bày hơn 50 ngàn cuốn sách và tạp chí, và cũng là nơi diễn ra các sự kiện văn hóa, triển lãm và các buổi giao lưu văn hóa). Bạn thử đến một lần để ngẫm nghĩ về…văn hóa đọc sách của đất nước có nền công nghiệp và công nghệ thật hiện đại này. Rồi không thể không nghĩ đến mình, quay quay trong đầu câu hỏi đồng âm Why, Why...
Tôi tạm dừng với Thư viện lạ này, ở đây, để có thời gian chiêm nghiệm rõ hơn về chiến lược chinh phục thế giới bằng sức mạnh mềm đáng sợ của dân Hàn.