Tôi có chuyến bay đi Seoul bằng Vietjet từ SàiGòn. 7 tiếng bay thẳng. Tôi phải thuyết phục anh bạn cùng đi cho tôi chuyển qua ngồi ghế sát lối đi để khỏi làm phiền người khác. Vậy mà tôi bị dính "tai nạn" liền ngay khi ngồi xuống. Ngưởi khách ngồi trước tôi, ngã ngửa ghế ra phía sau. Với kiểu thiết kế ghế của Vietjet, dù cho các chuyến bay quốc tế, bình thường vốn đã không đủ thoải mái cho khách, ngay cả người… chân ngắn như tôi, huống chi... Vậy là tôi co chân suốt chuyến và ngạt thở.

Nhìn kỹ thấy phía trước người khách ngã ngửa suốt chuyến đi có một khoảng trống bỏ hẳn một hàng ghế vì thuộc khu vực có cửa giữa máy bay. Vậy mà ông ta vẫn thấy cần thực hành quyền thoải mái bật ghế thêm ra phía sau, thây kệ nạn nhân tình cờ của ông. May là Vietjet hoàn toàn không mời nước hay ăn, không có chuyện bật bàn ăn.

Trong khi thở ít và không cựa quậy được, tôi tự hỏi, có nên yêu cầu ông ta “cho người khác thở” với được không? Không, ông ta có quyền và ngủ rất ngon suốt chuyến. Tôi miên man nghĩ tới câu chuyện “be kind or be right” mà bố của con tôi dạy con. Thứ nhất, không bao giờ làm phiền người khác. Cái gì mình làm được hãy tự làm. Thứ hai, với người khác thì lại cần “đồng cảm” để sống quan tâm, tốt bụng hơn với người khác. Đôi khi mình hành động hợp lý, hợp pháp mà vẫn không đủ hợp tình, hợp lẽ đời. Ví dụ, dừng xe ở ngã tư, có tín hiệu cho phép quẹo phải, con nên tự giác dành chỗ cho người phía sau vượt lên thì họ mới quẹo được.

Đi xe gắn máy với bạn, tôi thường lặng lẽ xem người đó có để ý nhường nhịn người đi sau không. Không có đúng sai ở đây, chỉ có hay không có sự quan tâm. Cho đến đầu tuần qua, tôi thấy ở những cây đèn giao thông ở các giao lộ của Sài Gòn xuất hiện dòng chữ, "Hãy nhường chỗ cho người rẽ phải". Be kind thay vì be right, mấy chữ nhắc này đã nhấc trình văn mình của xã hội Việt Nam lên chút xíu.

Hôm đầu năm nay, qui định “đùng một cái” cấm vượt đèn đỏ và rẽ phải khi đèn đỏ tại các giao lộ đã gây kẹt xe kinh hoàng ở trung tâm TP. Đến nay, chẳng những có tín hiệu xanh mà còn có bảng chữ nhắc tránh đường cho xe cần rẽ phải. Chứng tỏ đã có bước tiến. Dù so với tinh thần “điều gì không cấm thì dân được làm” còn với nhà nước “điều gì cho phép mới được làm” cũng còn khoảng cách khá xa.

Câu chuyện "be kind và be right" này nhắc tôi nhớ tới 2 ông bố, bố Vũ Khánh của tôi và bố Nguyễn Kiến Phước của con trai tôi.

Ở một trang nhật ký tôi trò chuyện với ông xã tôi thường xuyên, sau khi ông ấy đi xa gần 5 năm rồi, có một đoạn:

"Bệnh viện, chiều chúa nhật.... A. P. vừa vô thuốc xong, thấy con trai vô thăm, anh mừng ra mặt, nhưng cũng nhắc ngay, con xếp đôi giầy ngay ngắn lại, để kiểu như vậy người mở cửa vô sau sẽ bị vấp. Một lát lại nghe ông nhắc: Nhớ giữ sàn nhà vệ sinh khô, má mày hay ra vô nhanh, dễ trượt té. Con trai nheo mắt ngầm trêu tôi, là ông già cưng vợ chứ không phải lo cho ai khác đâu nha mẹ. Thật ra con trai nói không đúng, vì tôi có một bằng cớ sau cùng tôi nhớ mãi, là khi mời người chủ công ty mai táng đến lo làm đám tang ông, cô ấy trả lời thản nhiên: dạ, cô an tâm, chú dặn cháu kỹ lắm rồi cô ơi !"
Ảnh này do Tèo chụp (lén) ba, khi đang ngồi chờ "người yêu" đi làm về cùng ăn trưa. Mình ko biết bức ảnh này cho đến khi Tèo đăng lên fb nhân sinh nhật ba.

CHUYỆN ÔNG BỐ CỦA TÔI.

Tối qua, nhóm đi Hội chợ chúng tôi kéo nhau đi thăm phố cổ. Tôi lỉnh kỉnh vác ô và cả nón, áo mưa khi thấy trời chuyển. Các bạn nam giành vác túi cho tôi. Khi hai tay trống trải, tôi lại cứ thấy áy náy. Đó là vì lời dạy của bố tôi đã thành thói quen hàng ngày của tôi. Con không được để ai làm gì thay mình khi con tự làm được. Đi xa, tôi không thích người khác kéo va li giùm. Ông cụ tôi còn hơi “quá khích” khi nhắc tôi mấy lần, nếu khi con chui vô hòm mà tự đóng nắp hòm được thì cũng nên tự làm”. Hàm ý của lời nhắc đó là nguyên tắc sống của ông, đừng phụ thuộc ai hết, tự làm được gì cứ làm đi.

Mình "bắt" được những phút "hạnh phúc" bất ngờ của các doanh nhân Khởi nghiệp XANH, khi chọn đuọc món bing su đẹp và ngon xuất sắc ở phố cổ Insadong của Hàn Quốc
Bộ tứ nữ anh hào, học xì tai gia đình 4 người của Korea, chụp ảnh trước ngôi nhà xưa nhất phố cổ Insadong.

Ông cụ làm nghề thợ may nhưng cái gì cũng biết làm. Tự cất nhà (căn nhà gỗ ở Gò Vấp, chúng tôi ở thuở thiếu thời). Tự đóng giường và ghế thấp cho con gái khi tôi ra riêng (được cấp một phòng nhỏ ở chung cư Thông Tấn Xã). Ngoạn mục nhất là cụ tự làm các khuôn hình man nơ ken nhiều kích cỡ bằng kim loại để nhân lên nhiều man nơ ken phục vụ khách thử đồ…

Nhiều năm rồi, những lời dạy nghiêm khắc của bố tôi đã khắc sâu thành thói quen trong tôi. Thói quen lủi thủi làm mọi thứ một mình như tự kéo va li khi công tác xa của tôi chắc hình thành từ đó. Và muốn va li nhẹ, tôi phải ngồi tính sao cho đồ đạc mang theo phải đa dụng nhất, kể cả xếp các bộ áo quần sao cho có thể phối kiểu và màu được gọn và ổn nhất.

Các con tôi, sau gần 5 năm ba nó mất, vẫn cứ mỗi sáng chúa nhật chạy về nhà ba, thắp nhang và trò chuyện với tôi và chị bếp. Không thiếu một chúa nhật nào. Tôi bận việc cũng vẫn nhắn lý do đi vắng và các con vẫn đến. Cho tới một hôm, tôi đọc trên FB của chị Hai của Tèo, hình ảnh các con cháu đến hái khế nhà ông ngoại sáng chúa nhật với vỏn vẹn 2 chữ: NẾP NHÀ.

Hai ông bố nhà tôi rõ ràng vẫn đâu có đi đâu xa. Họ vẫn sống cùng tôi mỗi ngày, trong các thói quen, trong nếp nghĩ và hành xử, như vẫn có mặt trong nếp nhà.

HAI ÔNG BỐ.