GIẢM GIÁ MỖI SUẤT CƠM CHIÊN Ở BẮC KINH CÒN MỘT NỬA BẰNG THUẬT TOÁN TỐN 20 TỶ TỆ MỖI NĂM

GIẢM GIÁ MỖI SUẤT CƠM CHIÊN Ở BẮC KINH CÒN MỘT NỬA BẰNG THUẬT TOÁN TỐN 20 TỶ TỆ MỖI NĂM
Những tài xế giao hàng mặc đồng phục màu vàng của công ty đã trở nên phổ biến ở các thành phố Trung Quốc

Mô tả cụ thể cuộc cạnh tranh giảm giá cho người tiêu dùng Trung Quốc như vậy ở Bắc Kinh có làm chúng ta thắc mắc là sao mà “vụn vặt” thế, kém sang thế? Không chỉ cơm chiên, mọi món ăn đặt trực tuyến được công ty Meituan giao ở Trung Quốc hiện đang cạnh tranh giảm giá để chỉ còn 50% mức hiện thời, bằng cách cắt giảm thời gian giao hàng, tăng lượng hàng giao để giảm tối đa phí dịch vụ. Tốc độ là yếu tố cạnh tranh “sống còn”  trong giao hàng đồ ăn hàng ngày và Meituan đã đầu tư 20 tỷ tệ hàng năm để nghiên cứu-phát triển thuật toán tối ưu hóa tuyến đường cùng hình thức mua theo nhóm.

Meituan là công ty dẫn đầu dịch vụ giao thực phẩm trực tuyến ở TQ hiện nay với 7 triệu 450 ngàn nhân viên giao hàng hàng ngày. 

TIẾP TỤC CẠNH TRANH BẰNG CÔNG NGHỆ

Nỗ lực tăng hiệu quả công nghệ của công ty Meituan TQ là phương thức cạnh tranh nhằm chiếm thị phần lớn hơn nữa trong thị trường giao đồ ăn bằng tính năng đặt hàng theo nhóm giá rẻ giữa thời buổi người tiêu dùng TQ “buộc bụng” tiết kiệm tối đa.

Meituan nổi lên ở TQ nhờ cung cấp dịch vụ giao đồ ăn chỉ trong vòng 30 phút hoặc ít hơn. Những tài xế giao hàng mặc đồng phục màu vàng của công ty đã trở nên phổ biến ở các thành phố Trung Quốc, họ chạy xe tay ga trên khắp đường phố.

Hôm thứ Tư, công ty đã báo cáo số đơn hàng đã giao là 6,1 tỷ đơn mua thực phẩm theo nhóm giá rẻ trong 3 tháng (từ tháng 4 đến tháng 6/2024), tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn doanh số dịch vụ giao hàng thì tăng 13% lên 23 tỷ nhân dân tệ (tức 3,2 tỷ đô la).

Mô hình kinh doanh của Meituan là sử dụng dịch vụ giao hàng như một cánh cổng dẫn đến các dịch vụ có lợi nhuận cao hơn, như đặt chỗ du lịch. Tổng doanh số trong 3 tháng trên đã tăng 21% lên 82,2 tỷ nhân dân tệ, đạt lợi nhuận hoạt động tăng gấp đôi lên 11,2 tỷ nhân dân tệ.

Ngành giao đồ ăn của Trung Quốc đang tiếp tục cất cánh bằng sự cạnh tranh quyết liệt giữa các công ty giao hàng với hiệu quả gia tăng của các công nghệ không ngừng cắt giảm chi phí để tăng doanh số và lợi nhuận.

Theo Trung tâm thông tin Internet Trung Quốc do nhà nước quản lý, số lượng người dùng dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến đạt 540 triệu vào tháng 12 năm 2023 (chỉ tăng 4% so với năm trước)

Meituan đã có bước đột phá vào tháng 4 năm 2022 khi ra mắt dịch vụ Pin Hao Fan, một dịch vụ giúp giảm giá cho người dùng khi họ chịu gom chung các đơn hàng. Ví dụ: có một nhóm chọn một món ăn của một nhà hàng và những người dùng khác (ở gần nhóm này) muốn đặt mua cùng món ăn đó, có thể tham gia. Khi đủ số lượng người thì đơn hàng được hoàn tất.

Thời gian hoàn tất tối đa là…chưa đầy 10 giây. Một suất cơm chiên ở Bắc Kinh có giá 16 nhân dân tệ khi sử dụng Pin Hao Fan, tức chỉ còn một nửa giá so lúc đặt riêng lẻ, lợi thế về hiệu quả được tạo ra cho cả nhà hàng và khách mua hàng.

Tốc độ là yếu tố quan trọng trong giao đồ ăn, quan trọng hơn so với nhu yếu phẩm hàng ngày và các sản phẩm khác. Thuật toán của Meituan tối ưu hóa tuyến đường và phân bổ nhân viên để cắt giảm thời gian giao hàng. Công ty chi hơn 20 tỷ nhân dân tệ mỗi năm cho nghiên cứu và phát triển thuật toán trên và các công nghệ khác.

Pin Hao Fan đã được sử dụng tới 8 triệu lần mỗi ngày trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6/2024, chiếm 10% tổng số lần giao hàng. Công ty có kế hoạch mở rộng dịch vụ tại các thành phố nhỏ hơn, nơi mà người tiêu dùng thu nhập thấp hơn, giá còn nhạy cảm hơn.

Hãng Huatai Securities ước tính rằng sự phổ biến của Pin Hao Fan sẽ giúp tăng lợi nhuận hàng năm của Meituan từ 4,4 tỷ nhân dân tệ lên 8,5 tỷ nhân dân tệ vào năm 2025, tương đương với 30% đến 60% tổng lợi nhuận hoạt động của công ty tính theo số kết thúc vào tháng 12 năm 2023.

"Hiệu suất chi phí cao của Pin Hao Fan đã được biết đến rộng rãi hơn, làm tăng đáng kể tỷ lệ sử dụng lại ứng dụng", CEO Wang Xing của Meituan cho biết vào thứ Tư.

Đối thủ của Meituan là Pinduoduo, do PDD Holdings điều hành, cũng nổi tiếng với hình thức mua theo nhóm, nhưng chủ yếu tập trung vào các nhu yếu phẩm hàng ngày. Ele.me của Alibaba Group và Douyin, một ứng dụng chia sẻ video, cũng đang để mắt đến các cơ hội nhưng nay vẫn chưa tham gia.

Người tiêu dùng Trung Quốc đã thắt chặt hầu bao vì tình hình bất ổn của nền kinh tế nước này. Chỉ số niềm tin của người tiêu dùng, do Cục Thống kê Quốc gia TQ tính toán, là 86,2 vào tháng 6, mức thấp thứ hai được ghi nhận.

Meituan cũng đang phải đối mặt với những thách thức riêng. Các nhân viên giao hàng của Meituan cho biết dù giao hàng theo nhóm, thù lao vẫn không tăng.

Mức lương thấp và giờ làm việc dài của nhân viên giao hàng đã trở thành vấn nạn xã hội ở Trung Quốc.

Công ty cũng đã từng bị các nhà hàng chỉ trích vì thu phí cao với nhà hàng và đã bị chính quyền phạt 3,4 tỷ nhân dân tệ vì gây sức ép buộc các đối tác kinh doanh không được hợp tác với đối thủ cạnh tranh.

VÀ CÂU CHUYỆN CỦA CÔNG TY VIỆT NAM

Sáng tôi được tham dự một cuộc ra mắt một chương trình mới của công ty giày Biti’s được đầu tư cho đội ngũ thiết kế và tiếp thị được đi suốt chiều dài Việt Nam để cảm nhận nét đẹp từ cảnh quan tới cuộc sống của người dân khắp nơi làm cảm hứng cho đợt sáng tạo mới sản phẩm công ty. Lời trao đổi của bà Lai Khiêm, phu nhân ông Vưu Khải Thành khiến tôi xúc động với ấn tượng đặc biệt. Bà tâm tình. Gần đây, tôi dành nhiều thì giờ đi thăm Trung Quốc. Tôi thấy họ rất đam mê sáng tạo trong công việc. Họ đưa ra mẫu mã nhanh. Theo dõi, thấy họ làm việc kỷ luật, hết lòng và đặc biệt là tốc độ của họ nhanh. Hiệu quả cao, công nghệ mới nên giá sản phẩm của họ rẻ đáng kể. Bây giờ sản phẩm chúng ta cạnh tranh với họ, phải thẳng thắn tự xem xét lại về cách ta quản lý và làm việc, ta làm việc hết lòng, sống chết với công việc từng ngày chưa, tốc độ nhanh chưa.

Cạnh tranh là từ những yếu tố cụ thể đó, thực chiến và chú ý từng chi tiết nhỏ chứ làm việc không hết sức, hết lòng, nghĩ ngợi chưa thấu đáo và thực hiện chưa đạt hiệu quả (nhất là kỹ mà phải nhanh), chứ không thì làm sao mà cạnh tranh?

Tôi nghĩ đến “cuộc chiến sống còn” của Meituan. Chỉ tối đa 10 giây gom xong đơn hàng nhóm, với số lượng đơn giao tăng tối đa mà tối ưu hóa đoạn đường ngắn nhất, cạnh tranh từng 10 giây đó, bao nhiêu trí óc, sức nghĩ, tính toán cho cuộc cạnh tranh như sống còn đó? Mỗi ngày chúng ta có bao nhiêu ngàn lần 10 giây ngồi tán gẫu ngáp vặt rề rà và công việc cứ tà tà chờ nhau? Cạnh tranh kiểu gì?