(Bài 2- Tưởng nhớ nhà nghiên cứu xuất sắc Trần Đức Nguyên)
Trong những ngày anh Trần Đức Nguyên trở bệnh nặng, những người thân từ gia đình tới các bạn cũ cùng làm việc trong các tổ tư vấn với anh luôn hồi hộp lo nghĩ đến ngày anh ra đi. Tôi được may mắn đọc nhanh tập Hồi ký của anh. Và tôi có viết một bài, viết nhanh ngày 8/1/2025, vì điều kiện công việc quá bận (giáp Tết Ất Tỵ) khi đó, về tình bạn tâm giao và tâm huyết đóng góp cho sự nghiệp Đổi mới của anh và người bạn thân thiết Trần Việt Phương.

Nay vừa đọc bài tưởng nhớ anh Trần Đức Nguyên của chị Chi Lan, tôi thật cảm động về điều chị bộc bạch là chị coi hai anh Trần Đức Nguyên và Trần Việt Phương như hai người thầy về cả tầm tư tưởng lẫn đạo đức sống. Lời tâm sự này có phần "thúc bách" tôi đăng lại bài đã viết về... đôi bạn họ Trần như dưới đây.
“Tôi đọc mấy chục trang dự thảo hồi ký sau khi về hưu của nhà nghiên cứu Trần Đức Nguyên và thấy rõ ngay khi đã nghỉ hưu, vai trò tư vấn, tham mưu của ông cùng các vị trong Ban nghiên cứu của Thủ tướng cũng rất quan trọng. Cũng qua bài viết của ông, người đọc thấy được sự sáng suốt tinh tường và sắc sảo của nhà lãnh đạo Võ văn Kiệt.
Và cũng thật tự nhiên và ấm áp, tôi đặc biệt chú ý tình bạn, sự tương đắc của đôi bạn tâm giao cùng họ Trần: Trần Đức Nguyên và Trần Việt Phương.
Đầu tiên, tôi trích dẫn một số đoạn ông Trần Đức Nguyên viết, thay lời diễn giải về một giai đoạn cực kỳ quan trọng trong quá trình đổi mới chính trị và kinh tế của nước nhà...
"... Do thói quen nhiều năm viết theo yêu cầu của lãnh đạo, tôi thường dùng thể chính luận. ...
Trong lĩnh vực chính trị có các bài đề cập những vấn đề cơ bản về thể chế; như về chủ nghĩa xã hội trên nền tảng dân chủ; về Quốc hội chuyên nghiệp, thật sự đại diện cho dân; về thực hiện các quyền tự do, dân chủ đã được hiến định...
Những loại bài này có nội dung gắn bó với các tài liệu tôi nghiên cứu, soạn thảo để đáp ứng yêu cầu của anh Sáu Dân về đổi mới hệ thống chính trị, đổi mới sự lãnh đạo của Đảng cũng như những bài chuẩn bị cho anh Phan Văn Khải đóng góp với các nhà lãnh đạo đương nhiệm. Những bài viết này đã đề cập nhiều hơn đến đổi mới thể chế chính trị nhưng chưa phân tích sâu những khuyết tật của thể chế độc đảng toàn trị là nguyên nhân chủ yếu đang kìm hãm sự phát triển của đất nước. Phải đến khi việc sửa đổi Hiến pháp được đặt ra (năm 2013) thì vấn đề cốt tử này mới được nghiên cứu và trình bày rõ trong các văn bản đóng góp cho việc sửa đổi Hiến pháp”.
TRẦN ĐỨC NGUYÊN, MỘT NHÀ NGHIÊN CỨU CÓ VIỄN KIẾN
Mười tám năm về trước, vấn đề ”thương mại hóa báo chí” cũng như kinh tế báo chí, báo chí tự chủ hay bao cấp cũng đã là những vấn đề được luận bàn trong thực tế và...tôi thực sự ngạc nhiên thấy ý kiến nhà nghiên cứu Trần Đức Nguyên thật sắc bén, đầy tính thực tiễn.
Anh viết: ”Đầu năm 2007, tôi được một số bạn cho biết tại cuộc họp báo chí toàn quốc ở Quảng Ninh, người chủ trì hội nghị là lãnh đạo ban Tuyên giáo Trung ương Đảng đã phê phán xu hướng “thương mại hoá” của một số báo chí chạy theo lợi nhuận, xa rời tôn chỉ, mục đích của báo. Tôi liền viết bài báo “Giải oan cho thương mại hoá”, nêu rõ nội dung của ”thương mại hoá” bao gồm nhiều yếu tố tích cực thúc đẩy quá trình chuyển các hoạt động sản xuất, dịch vụ sang kinh tế thị trường, không thể đánh đồng với xu hướng chỉ chạy theo lợi nhuận; nếu báo nào mưu lợi nhuận một cách không chính đáng, trái pháp luật thì phê phán và xử lý thẳng vào khuyết điểm đó, không thể quy cho việc làm sai trái đó là thương mại hoá.
Tôi mời chị Phạm Chi Lan cùng đứng tên và gửi bài báo cho Tuổi trẻ. Ban biên tập Tuổi trẻ cho rằng bài báo có chiều sâu nhưng đụng đến vấn đề nhạy cảm, nên ngại đăng (có lẽ là sợ làm phật lòng người chủ trì cuộc hội nghị báo chí). Tôi liền chuyển cho Thời báo kinh tế Sài Gòn thì được đăng ngay nguyên văn trong số báo gần nhất. Mấy tháng sau, ban biên tập Thời báo kinh tế Sài gòn lại chọn bài này đi dự cuộc thi báo chí do Hội nhà báo thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Qua cuộc thi, bài này được giải về thể báo chính luận. Như vậy quan điểm của bài báo, dù trái với cách nhìn của lãnh đạo cấp cao, vẫn giành được sự đồng tình của đội ngũ tiêu biểu trong làng báo.
Anh Việt Phương là người mà tôi mời cùng đứng tên nhiều nhất trong các bài đăng báo, như bài về Chủ nghĩa xã hội trên nền tảng dân chủ, về Quốc hội chuyên nghiệp thật sự đại diện cho dân, về giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt...
Cuối năm 2007, theo gợi ý của anh Võ Văn Kiệt, một số anh xúc tiến việc thành lập Viện Nghiên cứu phát triển nhằm tập hợp một số nhà nghiên cứu độc lập (không ở trong bộ máy nhà nước) để nghiên cứu và bày tỏ quan điểm về những vấn đề nổi lên trong tiến trình đổi mới và phát triển đất nước, đóng góp cho cơ quan lãnh đạo và lên tiếng trên báo chí. Anh Việt Phương và tôi được mời làm thành viên sáng lập và tham gia Hội đồng chỉ đạo công việc chung của viện.
...Ngay khi mới thành lập, Hội đồng Viện đã bàn và đề ra ba đề tài nghiên cứu cho đến giữa năm sau: một là Vấn đề kinh tế trong giáo dục và y tế; hai là Vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn dưới góc độ xã hội học; ba là Chất lượng tăng trưởng kinh tế.
... Tôi được giao chủ trì đề tài thứ ba, với ba người tham gia là anh Việt Phương anh Lê Đăng Doanh, chị Phạm Chi Lan. Tôi đã dự thảo đề cương nghiên cứu, lập các bảng trình bày trên máy tính chiếu ra màn hình, chuẩn bị giới thiệu trong một buổi toạ đàm, nhưng không may bị tái phát thoát vị đĩa đệm, chèn vào rễ thần kinh, rất đau khi cử động.
...Do phải nằm viện nên việc trình bày đề cương nghiên cứu chất lượng tăng trưởng kinh tế tại buổi toạ đàm do IDS tổ chức phải nhờ chị Chi Lan làm thay. Tôi xem bản ghi ý kiến phát biểu và đánh giá của những người dự toạ đàm thì nội dung trình bày được hoan nghênh vì đã nhận xét, phê phán thẳng thắn xu thế tăng trưởng kinh tế ở nước ta chạy theo tốc độ, coi nhẹ chất lượng; dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên, lao động rẻ và nhất là tăng vốn đầu tư, trong đó có phần đầu tư tính vào GDP nhưng không đem lại giá trị tăng thêm, như công trình làm xong không sử dụng, công trình làm ẩu phải sửa chữa, phá đi làm lại, và vốn đầu tư bị đục khoét nghiêm trọng. Thêm vào đó, nạn phá rừng tràn lan, hủy hoại môi trường, cùng với nhiều cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nặng tạo những yếu tố “bẩn” trong GDP.
Từ mấy tháng cuối năm 2007, tiếp diễn sang năm 2008, nền kinh tế lâm vào lạm phát nặng, nhập siêu tăng quá nhanh, làm bộc lộ rõ hơn những sai lầm trong chính sách tiền tệ, tín dụng đi liền với chính sách đầu tư công và khu vực kinh tế nhà nước kém hiệu quả. Doanh nghiệp nhà nước vẫn được hưởng chính sách ưu đãi về nhiều mặt, duy trì vị thế độc quyền, lũng đoạn trên nhiều lĩnh vực quan trọng. Nền kinh tế chưa có môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh nên thiếu động lực phát triển; xu hướng ”ăn xổi ở thì” kiếm lời trước mắt, coi nhẹ các yếu tố chất lượng diễn ra trong mọi lĩnh vực hoạt động kinh tế và công tác quản lý của các cấp các ngành. Chính phủ đã thừa nhận tình trạng này nên cũng có phần giảm bớt dị ứng với những nhận xét trong đề tài nghiên cứu của IDS về chất lượng tăng trưởng kinh tế.

...Từ khi tôi chính thức nghỉ hưu (tháng 7-2006), nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt (anh Sáu Dân) mỗi khi ra Hà Nội thường gọi đến để trao đổi ý kiến về những vấn đề có thể đóng góp cho giới lãnh đạo đương quyền tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới và phát triển đất nước. Những cuộc gặp này đều có anh Việt Phương là người thường xuyên gắn bó với anh Sáu Dân, anh Nguyễn Trung và có khi thêm vài anh khác, trong đó có mấy người ở Ban Nghiên cứu trước đây như các anh Lê Đăng Doanh, Đào Xuân Sâm, Nguyễn Ký.
Anh Sáu Dân gợi ý với tôi một số chủ đề nghiên cứu, viết bài phân tích, tập trung nhiều vào những sự lạm quyền và những mặt yếu trong sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, từ đó nêu phương hướng, chủ trương đổi mới căn bản sự lãnh đạo của Đảng. Những bài viết này tôi chỉ gửi tới anh Sáu Dân để anh sử dụng. Anh Sáu Dân cho tôi biết bài viết của tôi về đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đã được anh ấy chuyển cho mấy nhà lãnh đạo cao, không nói xuất xứ, coi như một bài góp ý mà anh ấy đồng tình về nội dung. Tuy nhiên, không có hồi âm của người nhận”.
Tôi cảm nhận khó có ai nhận xét về ông Sáu Dân mà sâu sát, tỉnh táo và sâu sắc như ông Trần Đức Nguyên. Kết quả của một quá trình gắn bó, chia sẻ tận tình.
”...Qua những cuộc nói chuyện thẳng thắn, thân tình, tôi càng quý mến anh Sáu Dân cả về tấm lòng đối với dân, cũng như về tư duy đổi mới và tầm trí tuệ đối với những vấn đề mà đất nước phải đối mặt. Trong quan hệ với cán bộ, khi đánh giá con người, anh nhìn thẳng vào tư duy, trí tuệ và nhân cách của người đó chứ không bị chi phối bởi các mối quan hệ xã hội, không quá câu nệ về quá khứ.
Vì thế, anh đã tạo được lòng tin và sự quý mến của những trí thức đã từng làm việc dưới chế độ cũ, kể cả những người đã từng giữ chức vụ cao. Đáng quý hơn nữa là đối với những người trong cơ quan lãnh đạo có nhận xét không tốt về Anh, thậm chí những người đã từng phê phán khá gay gắt quan điểm của Anh, anh Sáu Dân vẫn giữ thái độ hòa nhã, vẫn tranh thủ phát huy mặt tốt, mặt đồng thuận của những người đó. Điều này không dễ thấy trong các chính trị gia.
TRẦN ĐỨC NGUYÊN VÀ TRẦN VIỆT PHƯƠNG, ĐÔI BẠN TÂM GIAO
Ông Trần Đức Nguyên viết: "...Ngày 6 tháng 5 năm 2017, anh Việt Phương từ trần ở tuổi 90 (tính cả tuổi mụ). Vì bệnh nặng, anh đã phải vào nằm bệnh viện từ giáp Tết (tháng 2-2017). Đúng một tuần trước ngày anh Việt Phương ra đi vào cõi vĩnh hằng, anh Thái Nguyên và tôi cùng đến thăm anh ở bệnh viện Hữu nghị. Anh đã rất yếu, chỉ nằm, không ngồi dậy được, nhưng vẫn nhận ra người đến thăm. Tôi ngồi bên giường bệnh, thấy anh kêu ngứa đầu. Tôi gãi nhẹ trên đầu cho anh và nói "Anh có biết tại sao ngứa không? Vì trong đầu chứa nhiều kiến thức, nhiều suy nghĩ mà lúc này không sử dụng vào đâu được nên sinh ngứa đấy". Tôi thấy anh mỉm cười, biết là tâm trí anh vẫn còn tỉnh táo. Gia đình anh đã đề nghị tôi viết điếu văn. Tôi dự thảo và gửi mấy anh chị thân với anh góp ý. Khi chuyển cho Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn Phòng Chính phủ là người sẽ đọc điếu văn trong lễ truy điệu, một số câu chữ của dự thảo có bị sửa đổi. Đáng chú ý nhất là câu bị gạch bỏ (tô chữ đỏ) trong đoạn sau đây:
“Bác Việt Phương kết nối nhuần nhuyễn trình độ lý luận với cảm xúc nghệ thuật, vừa là nhà thông thái giàu sức thuyết phục, vừa là nhà thơ gợi cảm hứng cho mọi người. Lớp học sinh, sinh viên trong những năm 50, 60 của thế kỷ trước mà nhiều người có mặt trong buổi lễ tang hôm nay, đều nhớ mãi tinh thần hứng khởi và nhiệt tình tham gia hoạt động yêu nước được nâng cao sau khi nghe bác Việt Phương diễn thuyết, nói chuyện thời sự. Và cũng chính nhà thơ Việt Phương là người đầu tiên cách đây gần 50 năm đã có những bài thơ tự phê phán các sai lầm ấu trĩ, sự cuồng tín đến mức mù quáng của mình, gieo mầm tư duy đổi mới cho những người đọc thơ.” (nói về tập thơ Cửa mở nhưng không nêu tên)
Khi viết đến đoạn này, tôi bỗng nhớ có người bạn biết tôi thân anh Việt Phương hỏi tôi rằng: "Thơ anh Việt Phương nói đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ thì còn có lý vì đồng hồ là sản phẩm con người làm ra; còn nói trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ thì phi lý, chẳng ai mường tượng thế". Tôi liền trả lời: theo suy nghĩ của tôi, đây là thơ, anh Việt Phương phải khái quát hóa đến mức phi lý như thế thì mới lột tả được sự cuồng tín của thế hệ chúng ta hồi ấy đối với ”tính ưu việt” tuyệt đối của chế độ xã hội chủ nghĩa. Khi nghe tôi thuật lại, anh Việt Phương cười và nói: đúng thế.
TỪ ĐIẾU VĂN ĐẾN LỜI NÓI ĐẦU TUYỂN TẬP BÀI VIẾT BẠN THÂN
...Vì điếu văn bị duyệt bỏ mấy ý quan trọng, lại tô đậm những chỗ nói về Đảng không hợp với suy nghĩ của anh Việt Phương lúc cuối đời, nên khi xuất bản cuốn
"Nhớ Việt Phương" (tập bài viết của bạn bè như một nén nhang thắp vào dịp 49 ngày), tôi đề nghị và được nhóm biên tập tán thành không đăng điếu văn đã đọc mà lấy lại nguyên dự thảo của tôi và mấy bạn thân thiết với anh Phương, đặt thành bài mở đầu cuốn sách, với cách trình bày có điều chỉnh không mang dạng lời điếu.
Tôi từng biết có trường hợp những lời ai điếu, lời nói chân thành thiêng liêng nhất lần cuối như cái vuốt mắt khi sinh ly tử biệt với người thân vừa khuất cũng đã phải biến đổi cho đúng chủ trương, khuôn phép thì trường hợp này, với người bạn thiết cùng họ Trần của ông Trần Đức Nguyên cũng không phải ngoại lệ.
Nghe lời điếu dành cho mình và đọc lời nói đầu sách của mình, chắc ông Trần Việt Phương mỉm cười, nụ cười bao giờ cũng thật hiền từ mà thẳm sâu...