ĐÀN ÔNG KHÔNG ĐƯỢC KHÓC? NHƯNG MỌI NGƯỜI KHÔNG THỂ KHÔNG KHÓC...
Mọi người, kể cả đàn ông lẫn đàn bà đều có thể khó tránh phải khóc, khi mỗi ngày có thêm tin tức về cảnh khổ cùng cực của người dân mình, sau cơn bão dữ. Và còn biết, nỗi khổ còn kéo dài trong nhiều, nhiều ngày nữa.
Tôi viết nhanh mấy dòng này, rồi đi làm những việc thường ngày như một liệu pháp để mình bớt đau khi liên tục nhận được tin về nỗi khổ dân tôi ở miền bắc, những ngày này.
Tôi viết khi vừa đọc stt mới của bạn Lê Quốc Vinh.
"Đời tôi chỉ khóc có 3 lần (hồi bé xíu thì không tính). Lần đầu, khi biết tin cha tôi bị ung thư phổi giai đoạn cuối, tôi lén ra sân khóc một mình. Lần thứ hai là lúc nhìn Ông dần ra đi trong vòng tay của tôi. Và lần thứ ba là ngồi lặng đọc tin hàng ngàn người chết vì Covid-19 ở Thành phố Hồ Chí Minh. Còn lại, dù gian khó hay đau lòng đến mấy tôi cũng không khóc. Nhưng thật ra thì nước mắt chảy vào trong."
Có thể Vinh không biết đâu, có một thời gian dài tôi thường ngồi trò chuyện và cùng làm việc với anh Lê Phức, bố của Vinh. Anh ấy lành, hiền và chúng tôi luôn tín nhiệm mời anh chấm giải các cuộc thi ảnh, từ báo Tuổi Trẻ đến báo Sài Gòn Tiếp Thị với cuộc thi "ảnh thị trường". Khi cần cãi nhau bảo vệ các giải anh muốn trao, anh cũng từ tốn, nhẹ nhàng (không sắc sảo sôi sục như con trai Lê Quốc Vinh của anh, một phong cách khác). Hồi nghe anh Lê Phức mất, tôi bồi hồi ...
Còn cảnh khổ của Covid 19. Tôi chứng kiến khá trực tiếp nhiều cảnh nghẹn ngào khó bình tĩnh kể cho hết, kể cả cảnh khổ thôi rồi của bà cụ là vú em của con trai tôi 37 năm trước; bà mất vì Covid, con cái chỉ nghe tin bà đã được đem đi thiêu, rồi cảm động nhận được hủ tro rồi...bất ngờ biết là hủ tro được trao nhầm, nhận hủ tro khác.
Đôi khi nghe kể chuyện lũ ập xuống cuốn phăng và vùi trọn cả một bản làng, sao ... giống thảm cảnh đại dịch vụt đến, hàng ngàn người ra đi chỉ trong đôi ba ngày hồi Covid ở TP này.
Tôi thực sự rất rất bất ngờ với cảnh khổ cực cùng của bà con mình khi từng đoàn cứu trợ đi sâu, sâu tận trong núi trong rừng sau cơn bão hiện nay.
Tuần trước, chị bạn kể, khi đoàn cứu trợ đang phát nhu yếu phẩm thì nghe một đề nghị: chúng tôi cần thêm bao đựng xác và quan tài. Có sự tinh tế nào hơn khi những người nội trợ từ TPHCM, nhìn thấy rác nhựa (các bao ni lông đựng hàng cứu trợ) quấn xoắn trôi chậm cùng những lớp bùn nhão, các chị đi mua hủ thủy tinh đựng gia vị để giảm rác thải nhựa.
Nhiều người đi cứu trợ cũng thông tin về rằng, ngoài nạn nhân là dân, nên chăm lo thêm cho lực lượng cứu hộ, hiện là lao lực nhất. Nhưng chính họ (chủ yếu là bộ đội) lại cho rằng họ có chính sách, hãy giúp cho dân quân, nhân viên các xã, bản làng...hơn.
Có gì khiến ta chạnh lòng hơn khi nghe một người đàn ông chủ gia đình 7 người (mà tất cả nhà cửa ruộng vườn bị xóa trắng thành bình địa) nói trong nước mắt rằng cơ nghiệp cả gia đình anh, cả đời gây dựng giờ tan tành hết, mất hết tới...gần 200 triệu đồng.
200 triệu đồng, cả đời, cả gia đình gầy dựng? Một bàn nhậu, một túi xách Louis Vuitton. Một ngàn tỷ, một triệu tỷ biến mất khơi khơi. Bao nhiêu cuộc đời, bao nhiêu gia đình gầy dựng???
Sáng nay đọc bản tin làng Nủ từng (tính chuyện) xây giấc mộng bán tín chỉ carbon từ rừng. Rồi một trận lũ như sóng thần quét trắng hết...
Tôi nhớ tôi câu những người đi cứu trợ Covid từng hát, "Vì Sài Gòn mình thương nhau..." (đó cũng là tên của một chương trình từ thiện là "Sài Gòn thương nhau"). Vâng, có những ngày mãi miết len qua những hàng rào kẽm gai phong tỏa đem đồ tiếp tế các gia đình, tôi với các bạn trẻ cùng đi cứ hát nho nhỏ :" Vì mình thương nhau, mấy núi ta cũng trèo...". Câu hát có mấy nhịp đứt đầu đứt đuôi đó, cũng không biết ở đâu ra, miễn nó nói được lòng mình, thì " Vì mình thương nhau" mà mỗi lúc cảm động bỗng muốn hát.
Tôi ngờ đâu, cảnh khổ Covid mới 4 năm qua, nay bỗng ập xuống khốc liệt tang thương đâu kém. Và cảm xúc lạ lùng chưa kịp cũ thời Covid bỗng trở lại cùng câu hát cũ:"Vì mình thương nhau, vì mình thương nhau, Bắc Nam mấy núi anh cũng trèo..."