CÔ SEN NUÔI HEO ĐÃ NGUÔI CHUYỆN BUỒN NĂM NÀO…

CÔ SEN NUÔI HEO ĐÃ NGUÔI CHUYỆN BUỒN NĂM NÀO…
Cô Sen dễ thương muốn chụp ảnh với người "ăn sáng với con mỗi ngày bằng 5 phút- chuyện thị trường"

Sen cười nhẹ, nét mặt trong sáng, em trả lời hiền lành, dạ năm nay em hết buồn rồi thầy ạ; Sen trả lời thầy giáo dạy về truyền thông, thạc sĩ Nguyễn Ngọc Quang, vẫn nhớ cảnh vào giờ chót không được tham gia thi vòng bán kết cuộc thi khởi nghiệp xanh lần thứ 9 năm 2023 (và dù rất buồn Sen cũng đi từ Quảng Bình lên HN để xem các bạn thi).

Tối nay là buổi học của khóa huấn luyện mà BSA tổ chức cho các thí sinh miền Bắc dự cuộc thi Khởi Nghiệp Xanh lần 10 năm 2024 tại phòng họp bên trong quán cà phê Trung Nguyên ở Hà Nội. Tranh thủ khi Sen e dè đến rủ tôi chụp ảnh chung, tôi hỏi, ủa, chuyện Sen khóc mà thầy Quang hỏi là khi nào vậy? Sen vẫn nhẹ nhàng. Dạ năm ngoái con có tham gia một cuộc thi khác nhưng vướng quy chế là DA nào vào vòng thi chung kết hay có giải của cuộc thi đó thì không được tham gia cuộc thi nơi khác.

Thầy Trần Trí Dũng hướng dẫn viết kế hoạch kinh doanh trong buổi huấn luyện

Sen ở tận Quảng Bình, tôi ít có dịp gặp em nhưng tôi vẫn khá “ấn tượng" về cô gái này. Có lẽ vì hoàn cảnh em rất đặc biệt và lần nào gặp em, cũng có “công chiện” xảy ra.

Một lần trong một buổi tập huấn dành cho các bạn ở miền Bắc, mọi người đang theo dõi bài giảng rất chăm chú, say mê, và nhóm của Sen, HTX an toàn Tâm Sen cũng đang học rất nghiêm túc, bỗng chủ nhiệm là em biến mất. Em xin đi một chút vì có chuyện gấp. Thì ra em phải đi đỡ đẻ cho heo (nhà em neo người). Từ đó, các bạn thường gọi em bằng cái tên trìu mến, Sen đở đẻ (mà giấu hai chữ …cho heo, mới là tinh quái chứ ?!).

Tối qua đến lớp học, vừa thấy Sen, bạn Quốc Bảo, quay phim của BSA Media nhận ra ngay, nghiêng tai tôi bỏ nhỏ, cô này hồi xảy ra vụ xe lạnh lâm nạn, là người trẻ lắm mà buồn nhất trong số các học viên là thân nhân những người tử nạn, lúc đó nhìn cô như không còn thần sắc gì hết, con nhớ rõ nét mặt cổ buồn khó tả lắm.

Tôi nghĩ ngay đến chuyện buồn năm 2019, chiếc xe container lạnh băng chứa 39 người Việt bị phát hiện định nhập cảnh bất hợp pháp vào Anh và tất cả người Việt trên xe đều thiệt mạng.

Sau thảm họa đó, một tổ chức quốc tế cùng với cơ quan nhà nước VN đã tổ chức các lớp huấn luyện để hướng nghiệp cho thân nhân những người đã mất và sau khi một số tổ chức đến tiếp xúc với họ không thành công thì Trung tâm BSA là đơn vị được chọn làm nhiệm vụ tư vấn chia sẻ với các thành viên này. Được chia sẻ tận tình với tất cả cảm thông sâu sắc, các thành viên dự lớp học đã cởi mở trò chuyện, lắng nghe các chuyên gia hướng dẫn khởi nghiệp khá cặn kẽ. Và từ đó, liên tục trong 2 năm, việc tái huấn luyện diễn ra trôi chảy. Và rồi Sen, cô gái trong 39 người thân của chương trình huấn luyện đã bắt đầu phát triển, mở rộng việc chăn nuôi heo, lập ra hợp tác xã và tham gia cuộc thi khởi nghiệp.

Một lần lên sân khấu thi, Sen kể: “Năm 2020 (một năm sau biến cố), tôi bắt đầu gầy dựng chuyện làm ăn bằng cách nuôi 5 con heo và nghiên cứu, học hỏi từ những anh chị đi trước. Thất bại liên tiếp mấy lần do không nắm kỹ thuật, đến đầu năm 2021, tôi đã thiết tha xin các Thầy hướng dẫn thật cụ thể và tôi nghiên cứu được công thức cám thảo dược tâm sen để từ đó bắt đầu áp dụng thí điểm với 50 con heo. Năm 2023 tôi đã áp dụng nuôi heo bằng cám thảo dược lứa đầu 600 con. Nuôi heo thịt thành công, tháng 6.2023 tôi và các xã viên quyết đưa thịt heo nuôi bằng thảo dược chế biến thành nem, chả, chạo…ra mắt thị trường và đã có thương hiệu riêng.

Cô Sen thử nghiệm thành công cách làm cám thảo dược tâm sen nuôi heo

Dù là phụ nữ, nhưng giờ đây sau bao nhiêu thất bại, cực khổ, tôi đã thay được người thân, trở thành trụ cột của gia đình, tạo ra mô hình mẫu về chăn nuôi kết hợp trồng trọt thuận tự nhiên, giúp được nhiều người chung quanh có việc làm và cung cấp thực phẩm ngon, an toàn cho xã hội.

Năm nay, Sen ghi tên thi Khởi nghiệp xanh lần 10 - 2024. Tôi tin kinh nghiệm của Sen, tự mình đứng dậy, hồi sinh từ đáy sâu đau đớn thất vọng, trải qua nhiều lần thất bại sẽ mang lại cảm hứng là không bao giờ buông tay thua cuộc cho các bạn trẻ khởi nghiệp.

Sen nói em đi thi để… đi học. Tôi lại nghĩ, chính thực tế trải nghiệm sống động của em là bài học quí báu, chân thành mà nếu không trực tiếp thấy em cười, nghe em kể chuyện thì khó mà tin chặng đường cực kỳ gian nan 5 năm qua của em.

PS. Tôi ra Hà Nội thực hiện một dự án mới không liên quan chương trình huấn luyện của cuộc thi Khởi nghiệp Xanh (xảy ra trùng thời gian). Tình cờ gặp lại Sen, tôi biết thêm một câu chuyện đổi đời đầy can đảm đến khó tin. Cô Sen đở đẻ (cho heo) năm nào thật ra còn là cô Sen hết sức ham học. Sau lớp ở Hà Nội, ban tổ chức đi tiếp đến tỉnh Bắc Kạn. Học viên lớp này là các bạn khởi nghiệp của các huyện miền núi và biên giới phía Bắc. Lớp huấn luyện sẽ diễn ra ngay sáng mai (27/7/2024) ở huyện Pắc Nậm tỉnh Bắc Kạn. Tôi liếc nhanh chủ đề: “Kỹ năng quản lý và sử dụng AI để truyền thông cho dự án khởi nghiệp” và hơi giật mình khi gặp “ông AI” ở miền núi với học viên là những cái tên dân tộc thiểu số thật ấn tượng: Sùng A Chạ, Nông văn Soạn, Lý văn Khìn, Ma A Dinh, Mã thị Na, Vi văn Huấn, Cà thị Bày… Tôi từng gặp các học viên này các bạn ạ, họ khá rành rẽ về công nghệ thông tin.

Chuyện bình thường chăng khi bạn trẻ khởi nghiệp vùng cao học ứng dụng trí tuệ nhân tạo để quản lý dự án, và cô gái nông thôn bị mất người thân trong chuyến xe tử thần 5 năm trước nay đã định đạc là một chủ nhiệm hợp tác xã tháo vát tự đứng lên làm trụ cột mới của gia đình ? Và thêm bất ngờ là tối nay “cô Sen ham học” cho biết cô sẽ tiếp tục ở lại huyện Pác Nậm 1 ngày nữa để học thêm về “Xử lý môi trường trong chăn nuôi, Phương pháp ứng dụng vi sinh trong phòng chống dịch trong heo bò”.

Những nông dân trẻ miền núi và biên giới, chuyện của họ là câu chuyện luôn đi về phía trước của người trẻ Việt, không để cho thất bại và bao rào cản ngáng chân, đánh bại mình.