Tôi đọc thấy bài này trên FB. Tôi chợt muốn kể tiếp câu chuyện…
1/ Một buổi sáng đi ăn phở, tôi đang ngồi ăn thì nghe có tiếng gọi của thằng nhóc.
- Chú ơi, bán con ly trà đá.
Để ý thấy nó lấy trong túi ra 7k, 2k trả ly trà đá còn 5k bỏ túi. Trời còn mưa nó ngồi bên vệ đường đụt mưa, dáng người ốm với ánh nhìn nhút nhát.
Anh bán phở ra hỏi chuyện, mới biết nhóc nó quê ở An Giang, ngồi hỏi chuyện nó kể:
- Ba con mất lâu, mẹ lên đây đi làm (Long Thành) cũng hơn 1 năm, mà từ lúc mẹ đi đến giờ không có về, tết hay giỗ ba cũng vậy. ...Con có đứa em nữa, 2 anh em ở với ngoại.
Ở nhà, con đi làm phụ gáp tủ cho người ta, kiếm thêm tiền phụ ngoại nuôi nhỏ em đi học.
- Thế em bao nhiêu tuổi?
- Dạ con 14 còn nhỏ em 10 tuổi đang học lớp 4.
- Thế nay em lên đây làm gì?
- Dạ ngoại con mất, con lên đây tìm mẹ.
- Thế em không có số điện thoại của mẹ hả?
- Dạ có, nhưng mà từ Tết giờ số đó không liên lạc được. Lúc trước mẹ nói làm ở Long Thành nên con vô đó tìm mà không tìm ra.
Hết tiền nên con đi bộ từ Long Thành về đây, định mua ly trà đá uống nghỉ mệt rồi đi bộ ra bến xe miền Tây tìm xe xin về nhờ.
Thấy nó đói, anh chủ gọi vào làm cho nó bát phở. Nhìn dáng vẻ nó như kiệt sức do đói và phải đi khá xa... Ăn xong, anh chủ hỏi:
- Thế giờ tính sao?
- Dạ, giờ con đi bộ ra bến xe xin đi nhờ xe về.
- Không, ý anh hỏi mày: ba mất, mẹ giờ tìm không thấy. Ngoại cũng mất giờ 2 anh em tính sao?
- Con gửi em rồi lên đây tìm mẹ, giờ không thấy con phải về coi nó, còn cho nó đi học nữa.
Nó nói thêm: Con làm lương tháng 2 triệu rưỡi, giờ con cỡ nào cũng lo cho nó, không cho nó nghỉ học. Con trai không học thì được chứ con gái phải đi học mới tốt. Con thấy rồi!
Trong lúc chờ nó nghỉ mệt, tôi nói với anh chủ quán để em chở nó ra bến xe mua vé cho nó về. Rồi quay sang bảo nó:
- Anh chở cho mày ra bến xe mua vé cho mày về. Nó vui mừng gật đầu.
Tôi đưa nó ra bến xe, khi bước ra về anh chủ quán dúi vào túi cho nó thêm 80k. Và bảo tôi, em đưa nó ra bến xe lo cho nó về giúp anh. Nó không quên cúi đầu cảm ơn anh chủ quán.

2/ Chuyện ông anh Hai này nhắc tôi nhớ ngay tới ông anh Hai Hữu Nghị, khi ba mẹ mất gần như cùng lúc thì anh Hai Nghị quyết định nghỉ học để đi làm, kiếm tiền dành hết sự chăm lo cho cô em gái Gia Nghi tiếp tục học, rồi khi Nghi học xong lớp 12 thì Nghị bắt đầu đi học lại.

Tôi vừa dự lễ trưởng thành của cả hai anh em mới đây nhờ cả hai được nhận vào trường Hope của tập đoàn FPT tổ chức.

3/ Nghe tới tiếng gọi anh Hai là tôi có nhiều chuyện hay để nghĩ tới. Bạn thân của tôi có cậu con trai đi du học ở Hoa Kỳ kiếm được việc làm tốt, định cư lại đây. Sau đó cô em gái của cậu ấy sang đi học, cùng lúc đính hôn với anh con trai duy nhất của một gia đình “lễ giáo”. Cô gái này học xong cử nhân, muốn học tiếp Thạc sĩ. Gia đình anh chồng sắp cưới nói gọn: “không học nữa, nhà này, nữ sinh ngoại tộc, học vậy đủ dạy con rồi. Không có Thạc sĩ thạc siết gì hết, muốn học cao thì ra khỏi nhà”. Sau mấy ngày năn nỉ không được, cô gái gọi cho anh Hai, khóc hu hu trong điện thoại: “Hai cứu em, Hai ơi. Em muốn đi học nữa mà”. Ngay hôm đó, ông anh trai bỏ việc, xách xe chạy qua nhà chồng của cô enm gái. Sau một hồi nói chuyện rù rì có vẻ hòa bình, ông anh Hai đứng dậy, nói với cô em gái:
“Anh nói chuyện xong rồi. Hai bác đồng ý cho em về với anh Hai. An tâm, về nhà, anh đồng ý cho em đi học tiếp.”
Bây giờ khi anh Hai chuyển qua làm một giám đốc chuyên môn của Nvidia Việt Nam, anh vẫn hàng tuần chờ điện thoại cô em gái. Học thạc sĩ xong, cô lấy chồng và đang chuẩn bị làm mẹ. Cậu Hai theo dõi rất kỹ lưỡng và vừa cho bạn tôi (đang ở Việt Nam) hay, con sẽ về, công tác ở bên nhà một tháng, cũng là kết hợp thăm em bé Ba và đón cháu đầu lòng ra đời. Cố giấu niềm vui rộn rã, ông anh Hai chép miệng, nó sắp làm mẹ mà vẫn cứ nhỏng nhẽo, suốt ngày, Hai ơi, Hai ơi…
Tôi lặng lẽ theo dõi những ông anh Hai. Có khi mồ côi, rất nghèo, bế tắc trong mưu sinh như chàng trai 14 tuổi ở tiệm phở, anh Hai vẫn đĩnh đạc “thi hành nhiệm vụ” rất tự nhiên đầy đức hi sinh. Cũng có khi đã có cương vị, có tiền lại thi hành chức năng anh Hai theo cách không thể đơn giản và tận tụy hơn...
Người Việt quá quen, cũng như không ít gia đình đã sống theo nguyên tắc "nữ sinh ngoại tộc" hay "nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô". Nhưng đồng thời lại cũng có, nhiều hơn, các gia đình thực hiện đến cùng nguyên tắc "quyền huynh thế phụ". Đạo Nho trong đời sống người Việt có ý nghĩa rất riêng.