Hai ngày cuối ở Seoul của tôi , sau hội chợ, là hai ngày được tự do rong chơi. Bằng chương trình đi thăm 3 doanh nghiệp, cả 3 cuộc viếng thăm đều buộc phải nổ não để thu nhận những thông tin bổ ích với 2 tầng đối chiếu: với Việt Nam và với thời gian thực.
Mai về sớm. Tối cuối tuần, cuối ngày, chúng tôi, nhóm đi dự hội chợ nhập khẩu vào Hàn Quốc quyết định “ bung xõa” bằng cách rủ nhau đi nhậu kiểu Hàn. Phố nhậu mà sạch boong không một cọng rác, không có tiếng la hét thách nhau zô zô hay karaoke điếc óc. Các quán ăn đầy ắp người. Dạo quanh trung tâm thương mại Coex cuối tuần, chúng tôi sau đó dành chút thì giờ sót lại mua ít nhiều quà về tặng anh em cơ quan. Về sớm hơn buổi tối trước, bàn về công việc khó khăn là… xếp hành lý, chúng tôi quay về đề tài… rác. Hàng tá bao ni long, giấy vụn, bao bì thực phẩm giấy chen với nhựa, nhiều thức ăn thừa lôi từ tủ lạnh ra, cả đám ngồi cười. Quyết định “oánh tù tì” coi ai là người dọn rác sau cùng vì đó là loại công việc khó nhằn nhất. Nhồi nhét sao cho vừa vào va li và thanh lý rác sao cho vừa ý của 2 “chuyên viên quản lý rác” của tòa nhà (chúng tôi thuê căn hộ chung cư tạm một tuần) có thể là việc không hề dễ.
Có nhiều điều để viết nhưng tôi chọn chuyện… rác rưởi, vì tôi đang ngồi giữa đống rác và đấy lại là chuyện khá thú vị và độc đáo. Bắt đầu là từ cái bao ni long trắng có in một hình vẽ nhỏ, cái vỏ chuối với 2 gạch chéo (xem ảnh bên dưới). Cô bạn “chuyên trách rác” của phòng tôi chỉ hình cái vỏ chuối mà cười ngặt nghẽo: vẽ thế này là cấm bỏ vỏ chuối vào thùng rác, vậy ăn chuối xong phải làm sao? Ha ha, ăn luôn vỏ chứ sao?

Do các qui định về xử lý rác nghiêm ngặt, chúng tôi cử tới 2/3 người chuyên trách. Hai cô gái tốt nghiệp đại học ngại bị phê phán khi bỏ rác sai chỗ, đã chạy đi tìm ông quản lý rác tòa nhà để hỏi cái vụ… liệu có phải ăn luôn vỏ chuối. Mà hai ông này khó gặp lắm, họ đến đầu giờ, còn ngoài ra thì đi lung tung trong tòa nhà để kiểm tra và phạt. Thành phố cũng có qui định rất vui là nếu thấy ai đó liệng rác ngoài đường hay vứt vung vãi trong khu phố mình thì có thể yêu cầu trích xuất camera xem ai là thủ phạm, người đó bị phạt và người tố cáo sẽ được thưởng.
Bạn tôi kể. Lần đầu ông ấy mời đến chỗ quầy trực, hướng dẫn cặn kẽ. Lần thứ hai, thấy mình bỏ rác sai, liền mời em đến, dắt xuống “cơ ngơi” của ổng tầng hầm B2. Chỉ tay từng rổ to, bao lớn đã sắp xếp ngay ngắn, ông ấy giải thích, đây là nơi đựng rác giấy, đây là rác chai lọ thủy tinh, đây là rác sinh hoạt dễ phân hủy, đây là loại độc hại phải cẩn thận để riêng (pin hay vật dụng điện tử, vật bén nhọn bằng kim loại…). Hễ bỏ sai nơi qui định thì bị phạt.

Như vậy họ đang áp dụng cùng lúc hai giải pháp: giáo dục tính tự giác và chế tài để ép vào khuôn phép. Buông bỏ một trong hai đều khó mà duy trì lâu dài nề nếp, thói quen tốt trong đối xử với rác.
Không "dễ" như cách "xử" rác ở bờ kè gần nhà tôi. Rác rưởi thì cứ tiện tay là vứt, đâu chẳng được? Bạn nhớ không, cây tăm vứt ra từ cửa kính xe ô tô cứ gọn hơ, nhẹ tênh đã có lần suýt thành án mạng ngay trên đường phố. Và đôi lần tôi tận mắt nhìn một hành vi rất trái khoáy mà bối rối đến khó hiểu. Một ông viên chức hàng xóm tôi dắt chó đi dạo sáng sớm. Ông ấy chịu khó nhặt mấy chiếc lá to đã khô rơi dọc đường, lững thững đi theo chú chó yêu. Rồi con chó đứng lại giữa đường ị một phát. Ông chủ rất chịu khó, lấy mấy cái lá khô cúi xuống hốt đàng hoàng. Tôi thấy hành vi đó là ổn, nào ngờ, ngay lập tức ông ta ném nhanh nắm lá khô bay vèo xuống kênh. Kinh ngạc, quá bất ngờ, tôi suýt la lên mà kềm kịp, ủa, sao vậy, thôi thà cứ để trên lề đường còn dễ dọn hơn, ai đời lại làm thế? Thỉnh thoảng, vài ba ngày, tôi lại khẽ lấy điện thoại chụp lại cảnh những đống rác quanh thùng rác công cộng, người dân ở dọc bờ kè mang rác ra bỏ vào thùng rác đặt dọc đường cho khách vãng lai. Không hiểu, tôi vẫn mãi nghĩ và không muốn hiểu, có mấy chục bạc trả tiền rác hàng tháng mà sao họ khó khăn đến không (có tiền) trả?
Tháng trước đi Thái Lan tôi không thấy tình trạng kỷ luật ngặt nghèo về xử lý rác như ở Seoul . Tất nhiên đi thăm Nhật thì tôi luôn ngầm bội phục rồi, cứ vừa đi vừa kêu trong đầu, Nhật ơi là Nhật, sạch gì mà sạch. Cho nên khi vừa bước chân đến xứ Hàn, về phòng thuê trong chung cư, đã phải nghe ngay thông báo kỷ luật xử lý rác là tôi "nhập tâm" vụ này. Điều khác lạ là có 3 ngăn kéo tủ lại rỗng dẫn xuống khu chứa rác tầng hầm và người thuê phòng buộc tuân thủ từng động tác nhỏ. Quên là bị gọi điện thoại nhắc hay mời gặp để phân tích việc làm sai và phê bình. Thực sự thì cũng có phiền vì thêm việc khi công việc mình đã bận lắm rồi nhưng cách họ kiên quyết khiến tôi cũng lý thú theo dõi mỗi ngày.
Chuyện rác thành chuyện văn hóa rồi.
Bên cạnh đó, có một sự thực cũng phải nói. Qua thăm dò về nhận xét, đánh giá của người Hàn về sản phẩm của Việt Nam, tôi thấy, họ không đánh giá cao hàng Việt về chất lượng. Và họ dành cho hàng hóa của quốc gia họ một sự hãnh diện, tự hào khó lay chuyển. Không có thái độ bài ngoại hay chê bai nhưng qua nhiều thái độ họ thể hiện họ chưa “mê” hàng Việt. Tôi chưa được nghe một người tiêu dùng Hàn mà tôi gặp ngoài phố hay trong siêu thị khen tặng hàng Việt. Nghe họ khen và tin tưởng hàng quốc gia họ, tôi không thấy thái độ đó là cực đoan mà là tình cảm tự nhiên, không gượng ép. Một thành tựu của nền giáo dục lâu dài. Tôi không khỏi cảm thấy một chút chua chát, nhưng mạnh hơn trong tôi là lòng tự ái, tiếc rẻ: sản phẩm Việt hoàn toàn có thể có vị trí tốt hơn, được đánh giá công bằng, đúng mức hơn nếu ta có sự cố gắng và thể hiện đồng bộ, bền bỉ. Đó là một chặng khá dài và cần chú ý hơn đến nhiều mặt, chuỗi cung ứng hiệu quả, chất lượng ổn định, qui cách sản phẩm sát thị hiếu và nhu cầu, quảng bá và bán hàng tốt hơn…
Tôi nghĩ nhiều về thái độ họ với rác. Nỗ lực tạo thói quen giữ vệ sinh nơi công cộng, đảm bảo đường phố văn minh, sạch đẹp, chăm chút từng cây xanh trên đường phố, biến thói quen hàng ngày thành văn hóa là cách họ tự tạo nếp sống văn minh trong người dân bình thường. Yêu hàng nội địa và tự hào về các thương hiệu nội địa của mình, cũng là một phần của nền văn hóa đó, và cũng là một đặc điểm dân tộc tính của người Hàn.
Chuyện đùa “bị ăn luôn vỏ chuối” sau cùng tôi cũng được một bạn viên chức giải thích, vỏ chuối bỏ vào nhóm thực phẩm thừa sau khi ăn là đúng đó chị. Họ vẫn kiên nhẫn nhắc nhở nhau, ngay từ “đồ rác rưởi” để xã hội bình tĩnh tiến lên, không cần những diễn ngôn hoa mỹ, những chiến dịch rầm rộ mà chìm nhanh trong nếp sống văn hóa tùy tiện dễ dãi.