CHUYỆN BLACK FRIDAY, NGƯỜI TIÊU DÙNG TRONG MỘT MÙA MUA SẮM ĐẦY THÁCH THỨC

CHUYỆN BLACK FRIDAY, NGƯỜI TIÊU DÙNG TRONG MỘT MÙA MUA SẮM ĐẦY THÁCH THỨC

*Bút ký thị trường từ chuyên gia Phạm Trọng Chinh

1. Chuyện ở…bển

Một người bạn tôi, sống cùng gia đình ở Mỹ nhiều năm, năm nào cũng hỏi thăm nhau dịp cuối năm, chủ yếu kể chuyện Black Friday thế nào vì ảnh vốn mê ngày này, vì nó không chỉ là một nét đặc biệt trong văn hóa tiêu dùng Mỹ mà với Việt Kiều là người lao động bình dân Việt Kiều thì đây luôn là một dịp mua sắm quan trọng trong năm.

Cách nhau 12 tiếng nên đến chiều tôi mới gọi anh, thường thì lúc ấy ảnh sẽ đang xếp hàng chen lấy ở một trung tâm mua sắm nào đó, hoà vào tinh thần “chiến đấu đến cùng” để có được món hàng mình muốn.

Ảnh thường nói: người Mỹ lịch sự tôn trọng nhau nguyên năm ngoại trừ ngày…Black Friday. Vậy mà bất ngờ thay, lúc tôi gọi ảnh còn đang… ngái ngủ, lạ quá là lạ. Hóa ra câu chuyện Black Friday năm nay ở Mỹ đã khác rồi: hầu hết các trang thương mại điện tử và trang mua bán trực tuyến của các nhà bán lẻ truyền thống hầu hết đã đưa các chương trình bán hàng ngày thứ 6 đen tối lên Online, gần như đồng loạt họ mở bán lúc 0 giờ. Thế là hàng chục triệu người Mỹ thay vì đi xếp hàng từ khuya như mọi năm thì năm nay đã canh trên màn hình điện thoại, máy tính thời khắc các trang mở bán để săn hàng. Đặt xong rồi chờ giao, sau đó đi… ngủ bù như ông bạn của tôi. Thậm chí ổng còn đùa: thế này mới đúng là Black Friday theo nghĩa đen vì 0 giờ nhìn ra ngoài trời thì tối thui.

Câu chuyện thú vị trên không phải là chuyện nhỏ của một hộ gia đình mà nó cho thấy sự thay đổi khá căn bản trong hành vi mua sắm của người Mỹ trong ngày được xem là nét độc đáo mua sắm của xứ sở cờ hoa. Với sự hoạt động mạnh mẽ của các sàn TMĐT, đặc biệt là Temu, Shein khi công bố các chương trình đặc biệt từ nhiều ngày trước, sau đó là phản ứng cạnh tranh mạnh mẽ không kém từ Amazon cùng thời điểm, đã tạo áp lực lớn đến các nhà bán lẻ truyền thống khác. Điều này bắt buộc các nhà bán lẻ này phải có giải pháp tương ứng nếu không muốn Temu, Shein, Amazon “hốt hết” lượng khách và chiếm hết túi tiền khi… ra tay trước. Thế là hầu như đồng loạt các nền tảng đặt hàng trực tuyến của các đơn vị này cũng mở chương trình Black Friday bên cạnh các cách bán hàng truyền thống. Không ai muốn trở thành “trâu chậm uống nước đục” nhất là khi các dự báo trước đó đều có chung nhận định rằng, ngân sách chi tiêu của các hộ gia đình Mỹ năm 2024 cho Black Friday dự kiến sẽ giảm so với các năm trước.

Hình ảnh quảng cáo về Black Friday trên Amazon

Kết quả thực tế trong ngày Black Friday năm nay ở Mỹ cũng phản ảnh đúng như dự đoán. Vẫn còn xếp hàng, chen lấy nhưng đúng là không khốc liệt, tranh giành như truyền thống, thậm chí ở nhiều siêu thị Target, Amazon tại nhiều tiểu bang không khí mua sắm thậm chí được tường thuật là không đông, nhìn thì có trật tự, tình hình mua bán không khác ngày cuối tuần là bao. Trong khi ở chiều ngược lại, một số công bố bước đầu cho thấy đa số các trang đặt hàng trực tuyến của các nhà bán lẻ truyền thống đã thấy lượng traffic tăng gấp đôi so với Black Friday năm trước.

Một góc trung tâm mua sắm tại New York trong ngày Black Friday

Tôi khảo cứu một vòng các tường thuật trên các trang tin về Black Friday Mỹ thì lượm lặt được một câu chuyện khá thú vị về một gia đình Mỹ, gia đình ông Robert. Với người đàn ông 61 tuổi này thì Black Friday luôn là một dịp đặc biệt khi mà ông bà cùng với 3 người con sẽ cùng nhau ngồi lại lên danh sách các món hàng cần mua trước đó vài ngày. Sau đó họ sẽ chia ra mỗi người sẽ đến xếp hàng tại các siêu thị, trung tâm mua sắm khác nhau, nỗ lực hết sức để mua được thứ mình cần. Đến chiều cả nhà sẽ gặp nhau, kết hợp với gia đình bạn bè tổ chức party ăn mừng, kể nhau nghe những trải nghiệm thú vị về Black Friday. Ông Robert nhiều năm nay luôn tỏ ra hào hứng và chuẩn bị kỹ cho dịp đặc biệt này, không hẳn vì sức hút về những món hàng giá rẻ may mắn có được mà quan trọng hơn đó là trải nghiệm vô cùng thú vị mà không ngày nào trong năm có thể so sánh. Thế nhưng năm nay, 2024 với gia đình ông đã hoàn toàn khác, tất cả những thứ cần thiết đã được các con ông đặt trên mạng chỉ chờ ngày giao, chúng cũng là người “educate” cho ông bố bà mẹ già của mình về cách tiếp cận các nền tảng như Temu, Shein. Chúng cũng không còn về nhà tụ họp như ngày xưa nữa. Ngay cả gia đình những người bạn, cũng không còn hào hứng như trước. Họ vẫn gặp nhau như truyền thống nhưng không phải là những câu chuyện cười ra nước mắt của không khí chen lấn mua sắm nữa mà là những chuyện khác rồi. Ông Robert bày tỏ sự tiếc nuối, với ông giống như xã hội Mỹ đã mất đi một nét rất độc đáo, đặc trưng của mình.

2. Chuyện ở…ta

Năm nay Black Friday cũng “buồn” và khác đi nhiều. Đây là nhận định của một chuyên gia bán lẻ trong hiệp hội chúng tôi, anh là giám đốc vận hành của một chuỗi các trung tâm mua sắm có tiếng ở TpHCM. Cách lý giải của anh dựa trên các số liệu và quan sát của người hiểu sâu sắc về thị trường bán lẻ cao cấp - vốn luôn là mảng sôi động nhất trong mùa Black Friday.

Thứ nhất, ngay từ trước đó vài tháng, do tình hình tiêu dùng chưa phục hồi, đặc biệt là mảng các sản phẩm cao cấp, thì dự báo tình hình Black Friday năm nay sẽ chỉ nhích nhẹ so với năm ngoái và vẫn chưa thể phục hồi như trước dịch. Cụ thể ở các trung tâm của anh quản lý, nếu tính riêng doanh số ngày thứ 6 thì chỉ tăng 2% so với năm trước.

Tôi thì hoàn toàn đồng tình với nhận định này, khi mà người trong nghề chúng tôi thông thường dùng một vài sự kiện bán hàng trước Tết để đánh giá mùa Tết thế nào. Những con số thống kê khá ảm đạm của Tháng khuyến mại tháng 9, Mùa Halloween trước đó đã có gợi ý rằng dịp Black Friday kém sôi động. Và kế đến sẽ tiếp tục là tín hiệu dự báo không tốt lắm cho dịp Noel cuối năm dương lịch và xa hơn là Tết. Tiếp tục là một mùa mua sắm đầy thách thức.

Thứ hai, tại Việt Nam các doanh nghiệp bán lẻ thường bán nguyên một tuần trước đó, trong ngày thứ 6 chính thì sẽ có thêm một số khuyến mãi thêm nhưng về cơ bản khuyến mãi tốt thì hầu như có nguyên tuần. Xu hướng này thấy rõ sau Covid khi các nhà bán lẻ muốn tranh thủ lấy khách hàng của nhau bằng cách… bán sớm. Vì vậy ở VN đúng ra phải gọi là Black Week mới đúng. Cũng theo số liệu anh cung cấp thì nếu so sánh theo tuần thì doanh số năm nay tăng chỉ khoảng 4%. Nếu nhìn vào ngân sách khuyến mãi năm nay thì có thể thấy là các Doanh nghiệp đã “nhẹ tay” hơn khá nhiều, nguyên nhân là do tình hình kinh doanh chưa khả quan nguyên năm, làm nguồn ngân sách khuyến mãi bị cắt giảm dịp cuối năm.

Đến đây nếu chỉ để nói về tình hình và những thay đổi của mùa Black Friday năm nay thì thông tin tạm đủ. Tuy nhiên, tôi nghĩ, có thể viết thêm phần 2 về Black Friday và công nghệ ở những lần tới:

  • AI đóng vai trò quan trọng trong Black Friday sales
  • Walmart Online đã giúp Walmart lập kỷ lục thế nào về sales trong dịp này.

Đúng là Black Friday của năm nay rất khác.