Tối qua từ Hà Nội về, nhớ lời hứa (lơi) với bà bạn, tôi xách xe chạy ra nhà sách Fahasa gần nhà. Wow, nhà sách thật sáng và đẹp, xứng đáng cho các cô chú "cọp con" kéo tay cha mẹ hồ hởi bước vô (buổi tối nhiều bạn nhỏ đi đọc cọp truyện tranh lắm).

Tôi thì đang vui vì chuyện mới xảy ra, đang chạy giữa đường bỗng bị một anh chàng áp sát nói vỏn vẹn mấy chữ, quên mở đèn. Tới nơi, thêm vui khi anh bảo vệ chặn tay, đưa tấm giấy giữ xe, cô để con dắt xe cho.

May quá, tôi cũng lựa được mấy cuốn planner 2025 và không kềm được, nhắn liền cho bà bạn già. Hên nha, hôm nay hên quá hên!
Chưa hết, đường về, đến ngã tư VTS-HBT tôi được một cháu học sinh nhắc, bác đừng quẹo phải, bị phạt (dù tôi không định quẹo khi đèn đỏ).

Ôi, Sài Gòn của tôi. Vẫn luôn như vậy. Tôi thường nhắc những người đi trên đường và lại cũng thình lình nhận được những "hiệu lệnh" nhanh và không thể ngắn hơn.
-Bật đèn.
-Chống ngang.
-Bánh mềm.
-Xi nhan cô ơi...
Vì sao họ nhắc tôi? Có lần tôi làm mất căn cước công dân ở phi trường và được một nhân viên Air VN tận tình cầm tay chỉ làm CCCD điện tử. Khi tôi post một lời cám ơn lên phây thì có bạn chế giễu tôi: chẳng qua họ biết mặt cô trên mạng chứ gặp người khác thì họ quăng cục lơ là cái chắc.

Tôi không tin tất cả những câu hiệu lệnh chớp nhoáng kịp thời mình nhận được là do "họ biết tôi là ai". Hoàn toàn không, bởi tôi có thể/sắp phạm lỗi nhanh lắm...
Tôi có một ví dụ hiển nhiên. Nếu người Sài Gòn không giúp nhau vô vụ lợi, hết lòng, như phản xạ hoàn toàn tự nhiên thì làm sao có một SÀI GÒN BAO THƯƠNG như tôi và mọi người chứng kiến, trải nghiệm suốt mấy tháng Covid thảm khốc ? Vâng, tôi không bao giờ quên tình cảnh một bạn công nhân từ Nghệ An vô, thuê phòng trọ ở Nhà Bè, ôm tôi khóc nghẹn kể rằng, khi biết bị dính Covid, cháu sợ bị hốt nên đóng cửa trốn dù đoán là có thể...chết đói. Tứ cố vô thân, vậy mà ngày nào cũng có cháo, xôi, mì gói treo trước cửa phòng trọ nuôi cháu sống mấy ngày nguy nan nhất. Ở chỗ khác thì cháu chết khô rồi...

Vậy mà mấy hôm nay nghe lối xóm nói một chuyện khó tin: có quy định ai cung cấp hình ảnh vi phạm giao thông sẽ được 10% tổng mức phạt. Và báo còn đăng tin có người chực săn ảnh bị đánh tới nhập viện.

Thật không? Liệu có "phát sinh" nghề săn ảnh vi phạm?Luôn chực chờ, và cầu nguyện nữa, càng nhiều người vi phạm càng tốt?
50 năm rồi, người Sài Gòn vẫn "bao thương" như lâu nay mà.

Họ dang tay, mở lòng đến bao la thành đặc điểm của người Sài Gòn là luôn quan tâm, thương nhau, nhắc nhau đừng đảng trí vi phạm, cùng xây dựng một xã hội hòa ái, hướng thiện. Chất keo cố kết họ với nhau vốn có sẵn trong nền tảng giáo dục của từng gia đình.

Tôi không tin có quy định nào thay đổi được "căn tính" đó của người Sài Gòn. Vài bạn bè tôi lo âu đức tính này sẽ gặp phản đòn mà nhạt phai. Không, tôi không tin rằng sức mạnh tự sinh tự lực bao năm của người Sài Gòn dễ bị hủy hoại. 50 năm qua đã chứng minh điều đó.

CHÚT CẢM XÚC VỀ "SÀI GÒN BAO THƯƠNG"