Con số 57 đang lấp lánh, gợi mở rất nhiều hi vọng. Gần đây đi gặp bạn trẻ giới công nghệ tôi cứ nghe nhắc con số 57. Thì ra, bao nhiêu mong muốn thiết tha tháo tung mọi trói buộc để Việt Nam thực sự “vươn mình” đều liên quan con số 57.

Vậy mà… cũng đúng cái thời ấy, sáng chủ nhật, hôm qua, có một cuộc tụ họp quần hùng đầy hào hứng "ủ mưu" đầu tư, định làm một số dự án công nghệ cao diễn ra tại TPHCM, thì lại có một văn bản được bưng ra giữa bàn với đầy nỗi niềm: ôi, sao lại có nguy cơ “cấm” sáng tạo thế này?

Cấm kiểu gì, mời bạn xem. Không dễ mà những chiến binh công nghệ cao lại lo âu dường ấy.

Dưới đây là văn bản trả lời Công văn 726/TĐC-QLTC (vậy là về quản lý tiêu chuẩn) đề nghị Công ty Real-time Robotics góp ý về DỰ THẢO THÔNG TƯ BAN HÀNH DANH MỤC TIÊU CHUẨN, QUY CHUẨN KỸ THUẬT đối với tàu bay không người lái.

Văn bản bắt đầu thế này: “Với tinh thần của Nghị quyết 57-NQ/TW, khuyến khích sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ, góp phần đưa đất nước Việt Nam chúng ta vươn mình ra thế giới (lại nghị quyết 57, bạn thấy không?), chúng tôi xin trân trọng góp ý như sau:

1/ Về Đối tượng áp dụng

Theo mục 1.2 trong dự thảo của thông tư, đối tượng áp dụng bao gồm “hoạt động nghiên cứu chế tạo, thử nghiệm, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện bay và trang bị, thiết bị của phương tiện bay”.

Nội dung này là “buộc hoạt động nghiên cứu chỉ được làm theo các quy chuẩn có sẵn”. Đó chính là điều khiến các nhà sáng tạo, phát minh lạnh gáy, rùng mình. Vì bản chất của hoạt động nghiên cứu chế tạo và thử nghiệm là mang tính sáng tạo, phát minh ra cái mới, phương pháp mới, thiết kế mới, vật liệu mới, v.v… chưa từng tồn tại. Việc trói buộc hoạt động nghiên cứu chỉ được làm theo các quy chuẩn có sẵn là hoàn toàn đi ngược lại tinh thần “khuyến khích sáng tạo trong công nghệ” của Nghị quyết 57-NQ/TW.

Nhưng nhà công nghệ có bằng chứng gì không?

Đọc tiếp văn bản. Dưới đây chúng tôi xin trình bày một ví dụ (trong nhiều trường hợp bất cập) cụ thể nếu áp dụng chuẩn ISO/IEC 4005-3:2023 vào hoạt động nghiên cứu chế tạo, và sản xuất tàu bay không người lái.
Chuẩn ISO/IEC 4005-3:2023 chỉ cho phép dùng các giao thức giao tiếp CĂN BẢN như giao tiếp một-một giữa tàu bay không người lái và phi công, nghĩa là mỗi máy bay giao tiếp với chỉ một phi công.

Khi áp dụng chuẩn này, giới nghiên cứu không được phép nghiên cứu các giao tiếp TRÊN CĂN BẢN như nhảy tần, giao tiếp mesh (cho phép một máy bay truyền dữ liệu qua nhiều máy bay hoặc phi công khác),... là những công nghệ thậm chí các nước khác đang sử dụng phổ biến.

Việc áp dụng chuẩn này vào hoạt động nghiên cứu chế tạo, sản xuất cũng đồng nghĩa doanh nghiệp tư nhân Việt Nam KHÔNG ĐƯỢC PHÉP NGHIÊN CỨU, CHẾ TẠO HAY SẢN XUẤT BỘ TRUYỀN PHÁT GIAO TIẾP MESH, NHẢY TẦN, HOẶC ỨNG DỤNG AI ĐỂ TỐI ƯU HÓA MẠNG GIAO TIẾP ngay cả để XUẤT KHẨU, trong khi nhu cầu của thế giới về các bộ truyền phát này là rất lớn và doanh nghiệp chúng tôi hoàn toàn đủ năng lực chế tạo ra các bộ truyền phát này để xuất khẩu.

Do vậy, chúng tôi đề nghị BỎ HẲN ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG: “hoạt động nghiên cứu chế tạo, và sản xuất” ra khỏi thông tư này.

2/ Về việc yêu cầu áp dụng một chứng nhận của Mỹ: FAA 20-27G.

Đây là chứng nhận dành cho máy bay tự chế CÓ NGƯỜI LÁI, KHÔNG PHẢI là yêu cầu đối với tàu bay không người lái tại Mỹ.

Thật thế, chứng nhận FAA 20-27G chỉ áp dụng với tàu bay CÓ NGƯỜI LÁI ở Mỹ. Việc yêu cầu phải có chứng nhận FAA 20-27G (mà kể cả Mỹ cũng không yêu cầu) sẽ bóp nghẹt sự phát triển của ngành tàu bay không người lái tại Việt Nam, đi ngược Nghị quyết 57-NQ/TW.

Dự thảo rất dài. Ý kiến 1 và 2 nêu đây chỉ là một phần của các điều khoản chưa hợp lý, cần được sửa đổi trong dự thảo thông tư này.

Để thực sự thực hiện nghị quyết 57, Việt Nam chúng ta cần xây dựng một hành lang pháp lý tạo môi trường thuận lợi, vâng, về pháp lý phải thể hiện tinh thần nghị quyết 57, pháp lý phải CỞI MỞ và THUẬN LỢI hơn so với các quốc gia khác.

Chúng tôi tin rằng Việt Nam có thể phát triển thành một trong những trung tâm nghiên cứu và sản xuất drone quan trọng của thế giới." (hết trích)

Tôi đọc đến đây, thấy trong những nỗi niềm và lo âu, vẫn kiên định một niềm tin thực sự vào 57. Trong khi thực tế ngổn ngang lắm.

RtR, công ty mà CEO là TS Lương Việt Quốc vừa được tiếp xúc Tổng bí thư Tô Lâm khi ông gặp gỡ các doanh nghiệp công nghệ cao mới đây, lại chính là tác giả văn bản góp ý với đầy lo âu như trên.

Ôi, công nghệ cao mà đi đâu, bay đâu cũng vướng đủ loại quy định cũ vẫn giăng mắc.

“BÓP NGHẸT” HOẠT ĐỘNG SÁNG TẠO ĐÂU PHẢI CÁCH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 57