Nghe ai nói, tôi đang đào tạo một thế hệ doanh nhân toàn cầu, bạn có thể nghĩ ngay: Tham vọng!
Thế nào là doanh nhân cấp toàn cầu?
Một công việc quá gian nan. Và thực sự tham vọng. Anh có thể hướng dẫn cho một người làm doanh nhân với tất cả kiến thức lý thuyết và kỹ năng, kinh nghiệm thực tế và quăng họ ra thị trường cho bão tố thương trường dập vùi tan nát như tương chăng?
Trong rất nhiều cách dạy dỗ, huấn luyện, hướng dẫn, có một cách là dạy họ qua thực tế kinh doanh, qua cọ xát hàng ngày, thắng thua, thành bại không có thì giờ uống trà để luận anh hùng mà bị đập chan chát vào mặt mỗi ngày những cú choáng váng: dẹp tiệm, đóng cửa, phá sản hay khách khen ngợi, mở thêm chuỗi, tăng thêm lợi nhuận... Cái gì rồi cũng phải trải qua để trưởng thành.
Ngày 21 tháng 6 là ngày nhà báo VN. Tôi có trong tay 5 lời mời, từ một cuộc cà phê riêng tâm tình chuyện làm nghề đến mấy cuộc họp mặt bao thư hoành tráng nhiều lời ít ý. Cuối cùng, tôi quyết định rất nhanh không đắn đo, bỏ hết, đi học. Lớp học do những học trò cũ của mình đứng lớp. Vui ha?

Tôi còn chưa biết nội dung 8 tiếng (thực tế, kéo tới 9 tiếng) sẽ được dạy suốt ngày đó. Tôi chỉ biết một điều quan trọng nhất, người giảng là người thực chiến, người thật việc thật, nói được làm được, thất bại thành công đều kể đủ.

Cậu bạn ngồi kể bên đưa cho tôi danh mục đề tài bài giảng. Đủ hết. Tôi kể lướt (khá dài), có 12 nền tảng: Sản phẩm và mô hình - Marketing - Mô hình tài chính - Vận hành - Chuỗi cung ứng - Quản trị nhân sự và đào tạo - Tuyển dụng - Nền tảng pháp lý - Quản trị các mối quan hệ - Kỹ thuật - AI agent - Phát triển hệ thống.

Tôi nghe chăm chú, thấy hay và ghi chép khá đủ. Đôi chỗ tôi gạch dưới hay khoanh đỏ. Đó là khi người thầy của các mentor trẻ này “phụ chú” thêm. Rất thú vị, vì đó là kinh nghiệm chinh chiến hơn 20 năm khắp các chiến trường Âu Á, Mỹ và nhất là Trung Đông, một khu vực rất tiềm năng hiện nay của bạn ấy.
Chỉ riêng về các chú giải này, tôi có thể viết mấy bài vì không chỉ là những câu chuyện, đó là những pho kinh nghiệm xương máu. Ví dụ. Hãy tự trang bị tầm nhìn lớn nhưng chân luôn phải đạp đất. Khách muốn tìm hiểu chuỗi cửa hàng, họ thường không đi với bạn mà đi riêng, và đi đến chi nhánh thay vì trụ sở hoành tráng. Có một nhà đầu tư nói với tôi, ở Việt Nam tôi thấy ở một số trường hợp, có hiện tượng “trust deficit” – thâm hụt niềm tin, vì sao? Đừng bỏ qua những chi tiết pháp lý và 80% những gì bạn thấy dễ dàng bằng mắt thường không phải là sự thật. Quản trị tốt cảm xúc và cố gắng tìm giải pháp cùng thắng với đối tác...
Cô gái có làn da nâu dòn được tập đoàn đối tác Ấn Độ đánh giá cao về bài trình bày thật rõ, chuyên nghiệp, chu đáo hướng dẫn đến từng cách làm, là người giảng bài đầu tiên, nhẹ nhàng nhưng rành mạch và tự tin. Cô tên Thuận, CEO của chuỗi CF xuyên đêm Three O’clock là một trường hợp đặc biệt, cô mới chỉ gia nhập Go Global được 8 tháng dù làm ăn trên thương trường đã lâu. Tất cả kinh nghiệm của cô được hướng dẫn đóng gói, hệ thống hóa lại trong 8 tháng đó và bổ sung thêm nhiều món mới…

Lý Tấn Tài là chàng trai vui tính, hơi nhún nhường nhưng lại chuyên về… tài chính. Tài nói, thực ra là Phúc Tea học trong tập thể này đã ba năm thì mới đứng được ở đây. Có nghĩa là team cũng đã sai rất là nhiều và cũng đã đóng cửa vài cửa hàng do những kiểu sai như vậy. Dù được hướng dẫn kỹ mà mình không làm tốt từng việc nhỏ, từng ngày thì cũng có thể bị hỏng việc. Kinh nghiệm thất bại lại góp vào cái kiến thức tổng quan và đó là thứ tôi thấm thía nhất, sẵn sàng chia sẻ sâu sắc cùng các bạn.

Các bạn khác, Trần Nhật Vũ là một “ông chủ trẻ” rất linh hoạt, hài hước nhưng nghiêm cẩn trong công việc. Còn Thảo Vi, cô thư ký cũ của BSA hồi mới tốt nghiệp đại học nay đã đi xa lắm rồi. Trong chỉ vài năm, nhất là những tháng quan trọng của năm 2024 đến nay, ba thương hiệu của Go Global đã bán master franchise, mở được chuỗi cửa hàng ở từ 7 đến 11 nước: Three O’clock ở 10 nước, Care with Love ở 7 nước và Phúc Tea ở 11 nước. Có thể kể: Philippines, Ấn độ, Bangladesh, Sri Lanka, Nepal, GCC, UAE, Arab Saudi, Kuwait, Qatar, Oman…


Để kết bài, tôi ghi vài ý mà Phi Vân, người thầy khó tính của các bạn này đã nói.
Như tôi đã nhiều lần nói với mọi người và các bạn, sứ mệnh của Go Global là dẫn dắt các doanh nhân trẻ Việt nam trở thành doanh nhân toàn cầu. Đó là mục tiêu và sứ mệnh của công ty. Đương nhiên nếu làm ăn bạn phải làm ăn giỏi, nếu bạn kinh doanh phải làm ra tiền nhưng mà mình không chỉ vì tiền, mình phải có mục đích lớn hơn trong cuộc đời của mình để xây dựng được những thế hệ doanh nhân trẻ Việt Nam toàn cầu, làm ăn giỏi và rất là tử tế. Đó là ước nguyện ngay từ ban đầu khi mà mình xây dựng Go Global.
Trước hết, tôi xin được ra mắt thế hệ F1 gồm có năm người : ba người của Phúc Tea là Trần Nhật Vũ, Lý Tấn Tài, Nguyễn Ngọc Phi Yến, 1 bạn founder mới của Go Global là Thuận Nguyễn của Three O’clock và cuối cùng là Trần Thảo Vi của Care with love.

Đến tháng 10 năm nay là Go Global sẽ được ba tuổi thì trong gần trong gần ba năm vừa rồi mình đã có ba brand bước ra thị trường quốc tế, đã bước chân ra làm việc, đã cắm cờ Việt Nam, đã làm, đã trao đổi và làm ăn kinh doanh được với lại đối tác lớn của nước ngoài. Brand Việt Nam đi nước ngoài thường là mở vài store ở nơi này nơi khác với các đối tác là doanh nhân.
Còn Go Global đang làm việc với các tập đoàn lớn cho thấy khả năng để mình đạt được điều mong muốn về sứ mệnh của mình là có, và thực tế cho thấy là qua một hành trình ba năm thì cũng đủ để xây dựng được thế hệ số 1.
Ngày hôm nay sẽ giới thiệu tới mọi người thế hệ đầu tiên của Go Global Entrepreneurs và các bạn cũng sẽ trở thành mentor mới cho các brand tiếp theo trong hệ sinh thái Go Global sau này. Thứ hai là Go Global sẽ mở một dự án mới và sẽ tạo một công ty con của Go Global. Công ty này sẽ dưa ra thị trường 3 dịch vụ : đầu tiên là những dịch vụ về huấn luyện và coaching cho ngành nhượng quyền. Thứ hai là Go Global nhận đưa thương hiệu Việt Nam ra thế giới hoặc đưa thương hiệu thế giới về Việt Nam . Go Global sẽ launch dịch vụ dưới cái tên là Franchise Accelerator để kết nối đưa Brand Việt Nam ra quốc tế và đưa Brand quốc tế về Việt Nam. Còn dịch vụ thứ ba là Media (truyền thông) của ngành và thực hiện những cái deal về M&A chuyên cho ngành nhượng quyền của mình.
