BỊ TƯỚC VŨ KHÍ MÀ …THĂNG HOA.

BỊ TƯỚC VŨ KHÍ MÀ …THĂNG HOA.

Họ ở đâu đó, đang làm gì, không rõ, u u minh minh, chỉ nghe thấy tiếng nói của họ. Và một chút nhạc. Một vài giọt âm thanh. Diễn viên “bị tước vũ khí” tất cả : người thật (vẽ đẹp, sức sống), trang phục, nét mặt, động tác, ánh sáng, màu sắc, cảnh trí…vâng, tất cả, chỉ còn một thứ, tiếng nói. Khán giả cũng chẳng hơn mấy, đâu thấy sân khấu “kịch” ở đâu, chỉ còn có thể nghe. Nên mỗi “cá thể người” là khán giả phải vận dụng tất cả những gì họ có. Trí tưởng tượng. Óc xét- đoán. Cảm xúc và cả sức kềm nén cảm xúc… Có người kể là theo diễn biến, nghe, nghe, bỗng “xuất hồn” khi cảm xúc đến cao trào. Sự tập trung phải phát huy 5 giác quan??

Kịch truyền thanh thì tôi vẫn thường nghe. Kịch nói, kịch câm thì quá thường xem. Tới kịch "ứng tác" mà tò mò tôi cũng ghi tên đi học rồi (và thấy thật có ích và hay). Nhưng "kịch đọc" thì mới lần đầu thực sự.

"Visa" của nhà văn Hải Miên đã đoạt giải cuộc thi Truyện ngắn tuổi 20 từ gần 10 năm trước. Và cũng đã được dựng kịch. Nay đạo diễn Việt Linh dựng kịch đọc. Hồn phách của "visa" vẫn biểu đạt sức sống lồng lộng của bút lực nhà văn (tác giả thứ nhất), cùng với giọng nói, diễn biến kịch từ những người ẩn mình (là tác giả thứ hai). Và tôi, như mọi khán giả, là tác giả thứ ba, thì vì chỉ có thể nghe, tiếng nói, ráng nghe cả tiếng xô bàn, bước mạnh, đẩy ghế nên tự mình thăng hoa trong không-gian riêng cho “vở kịch tự viết” của mình.

Một cô gái Việt thẳng thắn, điềm tĩnh, thực thà trước một viên chức ngoại giao (thường thường bậc trung) nhưng rất có uy quyền vì sẽ đề xuất cấp hay không VISA, cho phép cô gặp người yêu hay không. Khi anh ta hét lên, cô đang tấn công viên chức ngoại giao, cô biết không? Gì? Tấn công? Cô gái được phỏng vấn sao mà không giật mình. Căng thẳng giữa một phụ nữ dân nước nhược tiểu (?) trước một quí ông quan chức thực dân (?) đang nắm dao đằng cán, cho sống hay cho chết tình yêu nồng nàn của cô với người yêu - yếu tố nước ngoài - vắng mặt. Thử thách rất cay nghiệt giữa hai phía. Người đàn ông vốn đã là “phái mạnh” lại có quyền sinh sát, trước cô gái trẻ chỉ có...tình yêu. Nhưng bản lĩnh của cô cho tôi niềm tin về sự cân bằng và công bằng. Chuyện kịch là cô gái không khúm núm, xuống giọng năn nỉ. Và khán giả cũng có quyền chọn chỗ đứng cho mình, tìm lấy niềm tin của mình vào lẽ phải.

Tôi nghe chị Việt Linh nói, vì kịch công diễn nên có qua thủ tục là Sở Văn Hóa duyệt. Dĩ nhiên, phải duyệt. Cơ quan kiểm duyệt cũng lúng túng, kiểu kịch này thì duyệt làm sao? Tôi tìm anh phụ trách âm thanh, nhân vật quan trọng, giữ lửa cho vở kịch xin chụp ảnh kỷ niệm thì anh “né”. Nói một hồi, anh mới chịu chụp ảnh, đứng ở rìa ngoài. Đó là một ông thầy dạy organ, piano (tai thẩm âm và nhạc cảm dĩ nhiên quá bảo đảm) ở một trung tâm dạy nhạc, vì thích loại kịch này thì nhảy vô làm.

Tôi nghĩ đến người mê nghề hiếm có, mà cũng không có lấy một tiếng nói nào trong vở này, đạo diễn Việt Linh. Chị làm phim. Rồi làm kịch từ văn học (lấy cảm hứng hay dựa trên tác phẩm văn học). Nay là kịch đọc. Chị nói đến tam khả: khả thi, khả tín, khả dụng. Cô con gái duy nhất của chị, Trần Hải Anh, cô gái sinh ra, lớn lên bên Pháp mà trông thật Việt Nam từ nét mặt, trang phục đến thái độ, tác giả cuốn "tiểu thuyết hình họa" đầu tay “Sống”, cũng vừa có tin vui nhà xuất bản đã tái bản cuốn sách này. Một cuộc chơi cũng đầy sáng tạo. Hai mẹ con nhiều năm sống xa nhau, Paris - Sài Gòn cũng đáng gọi là xa. Cuộc sống, văn hóa-ký ức cũng khác nhau.

Vậy mà cả hai cùng làm tôi ngạc nhiên về sức mạnh của họ: sáng tạo. Nói đó là sức mạnh của nghệ thuật, tôi ngại nó sáo mòn. Hay nói đó là sức mạnh của tình yêu?