
(Viết vội)
Mấy tuần qua, tôi vẫn thầm chờ đợi vở mới “Nơi kết thúc bắt đầu” của sân khấu Thiên Đăng, nên khi có một bạn nghệ sĩ trong đoàn ướm hỏi, chị muốn đi coi không, là tôi đến ngay với buổi diễn đầu tiên.…
Chờ đợi vì hai lẽ. Đây là “kiểu làm nghề” rất Thành Lộc. Lộc đi xem một bạn diễn viên trẻ của Thiên Đăng thi tốt nghiệp ngành học Đạo diễn. Và Lộc thấy vở hay liền đề nghị đem về dựng ở Thiên Đăng. Trong không khí sân khấu thiếu hụt kịch bản hay, nhiều nơi đem “bổn cũ soạn lại” thì lựa chọn này có hơi quyết liệt và…phiêu lưu?
Thứ hai, tôi nghe các bạn trong đoàn kể về một bức thư tay ngắn của Vân Trang gửi... anh Lộc. Em vừa sinh cháu, theo dõi Thiên Đăng, em thấy có thể em đóng góp được ít nhiều nhưng em cũng đoán là anh ngại gọi em. Vì vậy em với ông xã trao đổi và nay em viết thư để xin trở lại với đoàn.
Vở diễn tối qua thật hay. Cậu con trai tôi, là chuyên gia về IT và nay đang làm việc về AI, ngồi cạnh tôi, cứ chốc chốc lại xuýt xoa nho nhỏ như ngại làm phiền chung quanh (đông nghẹt, không một chỗ trống) ô hay, xử lý hay, độc đáo thật. Tôi thấy vở mới này thực sự có tìm tòi từ kịch bản đến cách dàn dựng và xử lý mỗi vai diễn. Anh diễn viên trẻ có bài thi tốt nghiệp nói trên nay đĩnh đạc trong vai trò “đạo diễn dàn dựng”. Dàn diễn viên đồng đều, họ diễn hết mình mà vẫn mực thước trong thể hiện nhân vật (tôi không thấy dấu hiệu của cách thể hiện cái tôi của người nghệ sĩ lấn át tính cách nhân vật).

Và ý nghĩa từng câu thoại chuyên chở được khá nhiều điều đáng chiêm nghiệm. Từ sau mùa dịch khốc liệt quét qua TPHCM như cuồng phong, cảm giác về cái chết thật đột xuất cực nhanh như sóng thần ập đến thường khiến tôi suy nghĩ nhiều đến đời sống và cái chết. Vở diễn tâm sự với người xem về sự lựa chọn không ít khó khăn hiện nay. Sống sao mà khi ta đi xa, người thân còn nhớ thương và ngày càng thấu hiểu khi lòng vẫn tưởng nhớ, vẻ đẹp của tâm hồn, của nhân cách người đi xa. Sống sao thật chân thành, giản dị mà cách sống ấy vẫn tiếp tục sống trong tâm can, trong trí nhớ không nguôi của những người thân yêu còn tại thế? Sống sao để khi rời đi, đến Thế giới của “cõi Lưu Luyến”, ta tìm thấy đúng những thứ ta muốn làm trong đời sống, tìm thấy cái neo để rồi buông bỏ thật nhẹ nhàng, thanh thản mà đến được với luồng sáng chuyển tiếp ở chính nơi kết thúc đó, từ đó bắt đầu một kiếp sống khác nơi cõi nhân sinh này?

Câu chuyện của những người chết trẻ thật đáng suy ngẫm, một họa sĩ giàu lòng nhân bỗng phải chia tay cuộc đời với nhiều dự án thiện nguyện đầy nuối tiếc. Một cô gái với mặc cảm thành ám ảnh về dung mạo xấu xí của mình, đã chọn giải pháp cực đoan là liên tiếp giải phẫu thẩm mỹ trong điều kiện bừa bãi đi đến thiệt mạng, Một cậu bé bị cha mẹ hủy thai khi vừa 4 tháng tượng hình, chưa được ra đời và chưa được đặt tên…Cuối cùng, tất cả họ chấp nhận sau khi tự nhận ra tất cả cái cao đẹp của cuộc sống và được quay trở lại, bắt đầu cuộc sống họ bỏ dỡ ở kiếp trước đó.
Sống và chết, kết thúc và bắt đầu…những câu chuyện rất tiêu biểu của đời sống ngổn ngang hôm nay cho người xem thật nhiều cảm thụ và cảm nhận.
Cám ơn sự lựa chọn “cách làm nghề” kiên định của ông “phù thủy sân khấu” Thành Lộc, nhất định sân khấu phải mang lại cái mới, góp phần chỉ ra cái đẹp, thái độ sống tích cực trong bối cảnh cuộc sống nhiều bất định gian khổ hôm nay.
Cám ơn dàn diễn viên nhiều lứa tuổi đã hết lòng cống hiến và cũng riêng cám ơn Huy An, người đạo diễn rất trẻ tuổi nghề mà đã trưởng thành trong lò rèn nghề khắc nghiệt Thiên Đăng. Cám ơn và cảm kích.
