Thức trắng đêm tới giờ này (viết kế hoạch cho một chương trình quan trọng của BSA), vậy mà cứ chốc chốc tôi lại phải ngó coi trên Truth Social có gì mới. Ngộ thiệt, thời thế đổi thay thấy sợ. Trong khi bên mình vẫn nề nếp dự thảo 5 lần 7 lượt mới ra văn bản (mà ra xong, có nhiều bản văn vẫn cứ nằm chơi trên giấy không chịu hạ sơn) thì nay, có việc đảo điên cả thiên hạ lại cứ được phát ra trên...mạng xã hội.

Mới tức thì, tôi đọc được đoạn ghi thiệt nhanh của bạn cũ, Phạm Vũ Lửa Hạ (xưa là cộng tác viên ruột của Tuổi Trẻ khá lâu). Ghi nhanh mà cũng rất nhiều thông tin và sẽ còn ảnh hưởng dài tới...90 ngày (ôi, thế là "hồn ma" cái tin giả vụ hoãn 90 ngày nay hiện ra à?). Lửa Hạ viết:

"Sáng nay ông Năm viết trên Truth Social, trấn an bá tánh & nói là mua (stock) lúc này là quá hợp. Một host trên Bloomberg chọc đây là phát biểu ‘tuyệt vời’ nhất trong lịch sử mạng xã hội.

Buổi sáng, trái phiếu cũng lao dốc vì lợi suất (yield) công trái tăng mạnh. Tới khoảng 1 giờ chiều, sau đợt đấu giá công trái, lợi suất lắng bớt, nên giá hồi phục chút. Cổ phiếu cũng bắt đầu đảo chiều chút đỉnh. Khoảng 1:30, bộ trưởng tài chính Scott Bessent họp báo, cho biết ông Năm sẽ tạm ngừng thuế quan 90 ngày cho những nước không trả đũa, và tăng thuế quan cho Trung Quốc lên tới 125%.
Lập tức thị trường tăng vút, xanh rực. S&P tăng gần 9%, NASDAQ 10%. Mấy cổ phiếu tech sau mấy ngày rớt te tua xơ mướp nay được đà tăng khủng. Mấy cái leveraged ETF x2, x3 càng bùng dữ, như cái ETF gồm mấy công ty semiconductor tăng hơn 50%. Bạo phát sau khi bạo tàn gần đây, chứ tính trong chừng tháng qua thì cũng rớt.

Tại cuộc họp báo, thư ký báo chí Karoline Leavitt nói là nhiều nước (chắc chủ yếu ám chỉ Trung Quốc) chưa hiểu thông điệp ‘The Art of the Deal’ (Nghệ thuật Thương thảo) của ông Năm. Bộ trưởng tài chánh Bessent nói thông báo hôm nay cho thấy nước nào không trả đũa thì được lợi, cho biết nhiều nước đang & sắp thương lượng với Mỹ, và ông kể tên Việt Nam trong số đó.

Oánh, rồi hoãn oánh, rồi có thể oánh mạnh hơn… vụ thương chiến này cứ thay đổi xoành xoạch, doanh nghiệp cứ nhấp nha nhấp nhổm, khó an yên để tính toán làm ăn.

Tạm thời, tranh thủ kiếm chút tiền ăn bánh kèm cà phê bữa trước."
Nhân đây, xin tranh thủ ghi lại mấy điều mình tôi trình bày lại từ cuộc họp với Ủy ban NDTP hôm qua, 9/4/2025, liên quan vụ áp thuế của HK. Gọi là thông tin...

CÚ SỐC CŨNG NÊN LÀ CƠ HỘI (THUỐC ĐẮNG MÀ)

Tại cuộc họp giữa doanh nghiệp với lãnh đạo chính quyền thành phố sáng nay, 9/4/2025, trong tình hình báo chí các kênh ngập tràn tin tức giật gân (nhiều tin giả) về đàm phán và có tình trạng doanh nghiệp hoang mang bán tháo sản phẩm, tôi đề nghị việc trước nhất cần chú tâm là các cấp quản lý hãy chia sẻ và phân tích thẳng thắn với doanh nghiệp và cả người dân về tình hình mới, một giai đoạn khó khăn, rủi ro và nguy hiểm còn kéo dài, nhất là nay, bom đạn, khói lửa thực sự của cuộc thương chiến Mỹ Trung đã bùng nổ và sẽ cháy lan…Cần rất bình tĩnh khi tình hình còn sẽ diễn biến bất lợi...

Và nên tận dụng cơ hội này thay đổi chiến lược công nghiệp hóa. Trước đây, cũng có lúc thấy vậy mà làm thì …không phải vậy, nền kinh tế vẫn trượt theo quán tính “xuất khẩu mồ hôi.” Vẫn không thực hiện định hướng đúng trong tiếp nhận FDI, thực sự đầu tư cho “công nghiệp hỗ trợ”, khuyến khích căn cơ cho hoạt động R&D, tạo điều kiện cho sáng chế, phát minh. Nay đã có nghị quyết 57 thúc đẩy đổi mới sáng tạo, có chủ trương phát triển kinh tế tư nhân và nhiều dấu hiệu về việc hiện thực hóa các chủ trương đúng đắn.

Ở TPHCM, từ lâu, cả nhà nước thành phố và doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực cụ thể tìm thị trường mới và thị trường thay thế (Trung Đông, Ấn độ, Nam Mỹ…). Bên cạnh các doanh nghiệp lớn có kinh nghiệm xuất khẩu, có lực về tài chính, khả năng thích nghi nhanh thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có những thành công ấn tượng. Chúng ta cần giữ vững thị trường trong nước. Bởi hàng Trung Quốc mất thị trường Mỹ sẽ càng phải tấn công mạnh sang các thị trường khác và hàng Việt cần hết sức giữ căn cứ địa của mình. Muốn vậy, phải giữ vững chất lượng hàng hóa, chăm sóc khách hàng tốt hơn.

Và một chìa khóa quan trọng là sự gắn bó tin cậy giữa nhà nước và doanh nghiệp. Không có sự hỗ trợ tận tụy, nhanh chóng của nhà nước cho doanh nghiệp thì khó khăn sẽ càng khắc sâu thêm.

BẠO PHÁT, BẠO TÀN...