Không thể nhớ hết có bao nhiêu lần mình ngồi họp báo hay hội thảo ở hội trường rộng lớn này. Chiều hôm qua thì ngồi bên một nữ Phó chủ tịch, chị Nguyễn thị Minh Thúy, mới gặp lần đầu.

Phó chủ tịch N t Minh Thúy phát biểu mở đầu cuộc họp báo chiều 10/12

Khi sắp chia tay về, người ấy nói nhỏ, hôm nay chị nhắc ông Sáu Hội làm em cảm động, đó là ba chồng em. Mình chưng hửng.

Đó là một trong những cái tên thân thương nhất gắn liền với An Giang.
Những năm 90, nhiều vị lãnh đạo các tỉnh đích thân mời đại diện Hội và chương trình Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao về tỉnh, thiết tha thuyết phục mình đưa hội chợ Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao, niềm tự hào hàng Việt về với dân trong tỉnh. Như ông Vũ Hoàng Hà hồi làm chủ tịch tỉnh Bình Định cũng cho người ra Hà Nội, kéo mình khỏi phòng họp về tỉnh, "nài ép, thiết tha" cho bằng được.

Ông Sáu Hội và ông Ba Danh là hai người bạn cùng học chung trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, nghe nói chơi thân với ông Kiến Phước báo Nhân Dân, bạn cùng nhà mình. Họ quyết tâm mời cho được Hội chợ HVNCLC về tỉnh. Mình đi cùng anh Phước và thấy cảm động vì tâm tình của người lãnh đạo một tỉnh giàu có nhất miền Tây Nam Bộ bấy giờ.

Quang cảnh quen thuộc buổi tối tại Hội chợ HVNCLC tỉnh An Giang. Chen chân không lọt, người tham quan tay xách nách mang

Sau anh Sáu Hội là anh Nguyễn Hoàng Việt, Lâm Minh Chiếu… đều là những chủ tịch quan tâm ý dân, chăm lo cho hàng Việt.
Còn nhớ câu chuyện buồn cười, lần đầu tiên Hội chợ HVNCLC về dàn dựng ở Trung tâm văn hóa tỉnh. Ông Sáu Hội, chủ tịch tỉnh chu đáo dẫn mình đi kiểm tra mặt bằng, nói với giọng tự hào, thấy không chị, tỉnh An Giang lo chu đáo mọi điều kiện cho hội chợ mà! Ông chưa dứt lời, đèn tắt phụp. Cúp điện. Ông sững sờ còn mình thì cười giòn tan (vô duyên). Tức cười, mình nói như an ủi, không sao anh Sáu, công suất tăng đột ngột, phải thử mới biết mà điều chỉnh chớ anh .
Ngày khai mạc lần hội chợ đầu tiên năm 2000, ông Sáu Hơn, người lãnh đạo lão thành được dân An Giang thương nể nhất, trang trọng bước lên sân khấu gõ trống khai hội.

Nhiều năm, Hội chợ mấy trăm (gần 1.000 có lẽ) gian hàng phải tổ chức ở sân trường Đại học An Giang mới đủ chỗ (ĐH An Giang khi đó còn đang xây dựng). Năm này tổ chức ở khu vực sân bên trái, san lấp mặt bằng đẹp xong năm kế lại là khu vực sân bên phải…

Mà năm nay Hội tham gia tổ chức Diễn đàn Mekong Connect lần đầu, cũng tình cờ lại trở về chính không gian thân thuộc bao năm cũ, trường đại học An Giang.
Những năm tổ chức HC ở An Giang, ban tổ chức rút số trúng thưởng hàng đêm, thu được hàng nghìn địa chỉ của người dân tham gia. Có gia đình kỹ sư Phan Hãn Hữu thích hội chợ quá, rủ mình về nhà chơi, khoe với lối xóm chị Hạnh hội chợ và năm nào gần ngày 8/3 mà chưa thấy dấu hiệu hội chợ về là Hữu nhắn tin hỏi cho ra lẽ, sao Hội chợ về trễ vậy?. Mà năm nào cũng vậy, cứ Hội chợ về thì cả một khu vực đông nghẹt, kẹt xe dài mấy cây số.

Một hình ảnh lịch sử. Năm 2000, cựu bí thư tỉnh ủy Nguyễn văn Hơn đánh trống khai hội, mở đầu hoạt động HC. HVNCLC đầu tiên ở An Giang

Từ năm 2000, cũng chính các anh lãnh đạo An Giang đưa hội chợ HVNCLC qua hợp tác tổ chức ở CPC, dựng rạp trên miếng đất mênh mông giữa thủ đô Phnompenh, đất nhà của nhà kinh tài cho chính phủ nổi tiếng bấy giờ, ông Kung Triu. Hội chợ ở CPC kéo dài liên tiếp được 10 năm. Những năm đó, bộ trưởng Bộ thương mại CPC Cham Pradish năm nào cũng đến khai mạc. Ông nhớ từng mặt hàng nổi bật của Hội chợ hàng Việt Nam Chất lượng cao, đến đổi có lần ông hỏi:”Kỳ này Điện Quang có kiểu bóng đèn này mới so với năm ngoái ha chị Hạnh. Mình phục lăn người lãnh đạo thương mại có trí nhớ dễ sợ ấy.

An Giang. Mối duyên hai mươi mấy năm, giờ bỗng phục hồi từng hình ảnh, từng người cũ năm nào, rõ như mới hôm qua.
Người mai mối dẫn mình về đây, nhận “sứ mạng” đem hàng Việt về cho dân An Giang lần đầu tiên, nay không còn. Nhưng đôi lần, khi có việc về An Giang, mình cũng tìm thăm anh Sáu Hội rồi hai anh em cùng nhắc ông mai mối cũ…

Hôm nay về ngồi lại đúng ở hội trường đã họp báo giới thiệu Hội chợ HVNCLC 24 năm trước, ai biết mình không khỏi nghẹn một hồi, nhớ giọng anh Sáu chân tình, anh Hoàng Việt sang sảng, anh Chiếu khiêm tốn chừng mực luôn nói về Hàng VN Chất Lượng Cao đầy thiết tha, với "anh em báo chí".

Chiều nay 50 nhà báo chăm chú nghe và hỏi khá căn kẻ về Mekong Connect. Câu hỏi cảm động nhất là sao không tổ chức trong Mekong Connect một sự kiện văn hóa khi An Giang vừa nhận danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể cho Lễ hội Vía Bà chúa núi Sam. Nếu tổ chức thì kèm với một di sản đặc sắc nữa là di sản đàn ca tài tử Nam Bộ. Nghe lại xôn xao bao kỷ niệm với vía bà, đàn ca tài tử...
Mới đó, 24 năm nhanh thật, kẻ còn người mất, bao nhiêu nước chảy qua cầu, bao nhiêu nhung nhớ theo gió bay đi…

Rồi một tuần nữa...Chỉ một tuần nữa thôi.

24 NĂM ẤY, BIẾT BAO NHIÊU TÌNH